Hỏi đáp về dịch bệnh sốt xuất huyết

08:08, 30/08/2017

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

 Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch do vi-rút gây ra. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua muỗi Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn). Hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Người mắc sốt xuất huyết có thể bị sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày và có thể có các dấu hiệu sau:

+ Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.

+ Đau bắp thịt, đau khớp, nhức hai hố mắt.

+ Da xung huyết, phát ban.

Các trường hợp nặng có thể có biểu hiện:

+ Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…

+ Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, hốt hoảng.

Có những trường hợp nặng, bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc, vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Cách lây truyền bệnh sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi đốt hút máu người mắc bệnh hoặc người nhiễm vi-rút nhưng không có triệu chứng, rồi từ đó lại đốt sang người khác và truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng không làm lây truyền bệnh sốt xuất huyết.

Lứa tuổi nào dễ bị mắc bệnh sốt xuất huyết?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, ở vùng bệnh lưu hành nặng như miền Nam và Nam Trung Bộ nước ta, tỷ lệ mắc bệnh của trẻ em dưới 15 tuổi thường cao hơn, còn ở các vùng khác, khả năng mắc bệnh của trẻ em và người lớn là như nhau.

Nên phun thuốc diệt muỗi vào giờ nào?

Loài muỗi truyền sốt xuất huyết chủ yếu là Aedes (hay còn gọi là muỗi vằn). Loài muỗi này chủ yếu đẻ trứng vào các bể, chum vại, các dụng cụ phế thải chứa nước mưa, nước sinh hoạt. Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết cần: Thường xuyên kiểm tra và lật úp, loại bỏ các dụng cụ phế thải; Thả cá vào các bể, chum, vại chứa nước với dung tích 200 lít trở lên; Đối với các dụng cụ chứa nước có dung tích nhỏ thì 3 ngày thau rửa một lần.

Để phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết, việc đầu tiên là diệt bọ gậy, sau đó mới tiến hành phun thuốc, diệt muỗi trưởng thành. Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày, mạnh nhất vào những giờ đầu buổi sáng (vì sau một đêm đậu nghỉ, muỗi đã bị đói), tiếp theo là vào lúc mặt trời lặn. Để diệt loại muỗi này có hiệu quả, nên phun thuốc vào buổi sáng./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 



Cùng xem mẫu cửa lưới chống côn trùng và báo giá chi tiết

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com