LTS: Tính đến ngày 10-8-2017, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh ta đã lên tới 1.157 người. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch SXH, phóng viên Báo Nam Định có cuộc phỏng vấn đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống dịch SXH.
PV: Xin đồng chí cho biết diễn biến tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh ta hiện nay? Nhận định của ngành Y tế trước tình hình dịch SXH?
Đồng chí Khương Thành Vinh: Bệnh SXH do vi-rút Dengue là bệnh truyền nhiễm. Hằng năm tỉnh ta đều ghi nhận hơn 100 ca mắc SXH, đỉnh dịch là vào tháng 9 đến tháng 11. Năm 2016 tỉnh ta ghi nhận 173 bệnh nhân mắc SXH. Năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 5 đã ghi nhận 22 bệnh nhân mắc SXH từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam về địa phương. Ngày 9-6-2017 đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân SXH đầu tiên tại tổ 21, phường Văn Miếu (TP Nam Định). Tính đến ngày 10-8-2017, số bệnh nhân mắc SXH tại tỉnh ta là 1.157 người. 180/229 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thành phố trong tỉnh có bệnh nhân mắc SXH. Trong đó, số bệnh nhân đang điều trị nội trú là 274, bệnh nhân đã ổn định hoặc xuất viện là 812, chưa có trường hợp tử vong do SXH. Thành phố Nam Định có số người mắc cao nhất với 487 bệnh nhân, một số phường của thành phố có số người mắc cao như: Phường Văn Miếu có 82 người, phường Cửa Bắc 79 người, phường Trần Quang Khải 43 người, phường Năng Tĩnh 43 người, phường Trường Thi 36 người, phường Phan Đình Phùng 31 người...
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, theo nhận định của ngành Y tế, nguy cơ bùng phát dịch SXH tại tỉnh ta với các ổ dịch vừa và nhỏ là rất cao do có bệnh nhân nội địa và ngoại lai, đặc biệt là bệnh nhân từ Hà Nội về, trong đó, bệnh nhân nội địa chiếm 41,4%, ngoại lai chiếm 58,6%. Mặt khác, điều kiện thời tiết thuận lợi (lượng mưa và nhiệt độ tăng cao) cũng thích hợp cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Ngoài ra, tình hình di biến động dân cư diễn ra mạnh mẽ nên việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch, nhất là công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc triển khai phòng chống dịch ở các khu vực nhà vắng chủ, đi làm từ sáng đến tối muộn, nhà trọ... Do vậy xu hướng sẽ xuất hiện tiếp các ổ dịch SXH vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng trong phòng chống dịch tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn một bộ phận người dân ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch chưa cao, thể hiện ở việc thiếu hợp tác với cơ quan chức năng trong phòng chống dịch (xử lý môi trường, phun hóa chất phòng chống SXH...).
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Thuận |
PV: Đồng chí cho biết các giải pháp đã và đang triển khai trong công tác phòng chống dịch SXH? Ngành Y tế có khuyến cáo gì tới người dân trước diễn biến tình hình dịch?
Đồng chí Khương Thành Vinh: Trước tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh có quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người gồm 20 thành viên, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Giám đốc Sở Y tế làm Phó Trưởng ban và lãnh đạo các sở, ngành là ủy viên. Ngành Y tế cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ngành Y tế; kiện toàn Đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ngành Y tế; xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngành Y tế, trong đó có dịch bệnh SXH, đặc biệt chú trọng công tác giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH để điều trị, cách ly và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch và kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương hoặc hỗ trợ tuyến dưới nếu cần (mỗi đơn vị từ 2-3 đội); ban hành các văn bản về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH; chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường công tác giám sát, phát hiện, điều tra, xác minh dịch bệnh để có các biện pháp phòng chống dịch; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng kế hoạch đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị, nhân lực, giường bệnh phòng chống dịch, tổ chức tốt việc thu dung và điều trị bệnh nhân SXH. Sở Y tế đã tăng cường các hoạt động phòng chống dịch SXH như: Giám sát chặt chẽ tình hình dịch qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, giám sát chủ động tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca bệnh dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế; tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; triển khai 250 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy (tại Thành phố Nam Định từ tháng 6-2017 tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy 1 tuần/lần tại 25 xã, phường; tại các huyện tổ chức tại các xã có nguy cơ cao về SXH). Ngành Y tế cũng đã tiến hành phun hóa chất phòng chống dịch tại 15 xã, phường, 5.000 hộ gia đình. Hiện nay Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định đang phối hợp với các phường, xã tiếp tục phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng tại tất cả các ổ dịch và điểm dịch. Sở Y tế đã tổ chức tập huấn về hướng dẫn giám sát và các biện pháp phòng chống dịch cho 100% cán bộ y tế tuyến huyện, thành phố làm công tác phòng chống dịch và 500 cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn; tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch SXH đánh giá và rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch SXH trong thời gian vừa qua, định hướng công tác triển khai phòng chống dịch trong thời gian tới theo đúng sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế trong cuộc họp trực tuyến ngày 24-7-2017. Ngày 11-8-2017, Sở Y tế tổ chức lớp tập huấn chẩn đoán và điều trị SXH cho các cán bộ làm công tác điều trị tuyến tỉnh, huyện, giảng viên là chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị điều trị trong ngành thực hiện nghiêm hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH của Bộ Y tế, khám phân loại, phân tuyến điều trị hợp lý không để xảy ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và của tỉnh tuyên truyền về phòng chống SXH; phối hợp với Đài
Truyền hình VTC tuyên truyền về các hoạt động phòng chống dịch SXH; làm việc với Truyền hình
Thông tấn xã Việt Nam về tình hình dịch SXH và khuyến cáo người dân tham gia phòng chống dịch. Tham gia giao ban công tác báo chí của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở TT và TT, Sở Y tế đã thông báo tình hình dịch SXH, các hoạt động đã triển khai và các khuyến cáo người dân tham gia phòng chống dịch. Sở Y tế đã chỉ đạo tổ chức 3.500 buổi phát thanh hằng ngày các bài tuyên truyền phòng chống dịch SXH trên đài phát thanh của các huyện, thành phố và tại các xã, phường, thị trấn; in và cấp phát 50 nghìn tờ rơi phòng chống SXH cho 229 xã, phường.
Để phòng chống dịch SXH hiệu quả, người dân cần phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch SXH: Cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Minh Thuận
(thực hiện)