Khắc phục những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

08:07, 25/07/2017
Thực hiện Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế và Luật BHYT sửa đổi, bắt đầu từ ngày 1-1-2016, chính thức áp dụng mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên địa bàn toàn quốc. Điều này mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trên địa bàn toàn quốc.  
 
Việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đã tạo thuận lợi, sự công bằng và bình đẳng cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT, qua đó người dân được tiếp cận với các cơ sở khám chữa bệnh gần nhất, nhanh nhất, giúp người dân giảm được các thủ tục hành chính rườm rà. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở khám chữa bệnh để thu hút người bệnh bởi qua thông tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người bệnh. Thực hiện thông tuyến, nhiều bệnh viện tuyến huyện như: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định… đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, bệnh viện đã mở rộng khu tiếp đón bệnh nhân, mua sắm thêm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, đồng thời nâng cao y đức người thầy thuốc trong phục vụ người bệnh, mở rộng điều trị có chất lượng những bệnh mãn tính nhằm thu hút bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc, từ khi thực hiện thông tuyến, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tăng lên nhiều so với trước. Cụ thể, năm 2016, số lượt bệnh nhân khám bệnh BHYT tại bệnh viện khoảng 30 nghìn lượt, tăng 5.000 lượt so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện có khoảng 18 nghìn lượt người đến khám chữa bệnh BHYT, tăng 5.000 lượt so với cùng kỳ năm 2016. Tại Bệnh viện Đa khoa Xuân Trường, từ khi thực hiện thông tuyến, tỷ lệ khám chữa bệnh BHYT tăng 119,6% so với trước khi thông tuyến. Cụ thể, năm 2016 tổng số lượt người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là 87.500 lượt người (năm 2015 là 84.602 lượt người). Số lượt người đến khám bệnh tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2017 là 54.565 lượt người, tăng 127,6% so với cùng kỳ năm 2016. Để thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị, bệnh viện quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ tiến tới sự hài lòng của người bệnh… Ngoài ra, thông tuyến còn làm tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHYT, thu hút người dân tham gia BHYT và thúc đẩy mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Đơn cử, năm 2016, toàn tỉnh có 1.351.059 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ là 73,96%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 1.412.699 người tham gia BHYT, tăng 6,76% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 76,3% dân số.
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Hùng (Nam Trực).
Khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Hùng (Nam Trực).
Bên cạnh những ưu việt, việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cũng bộc lộ không ít tồn tại. Cụ thể, khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, quyền lợi người bệnh được đảm bảo do có quyền được lựa chọn dịch vụ và cơ sở khám chữa bệnh tốt nhưng dễ phát sinh lạm dụng quỹ BHYT. Bởi người tham gia BHYT có thể lợi dụng chính sách thông tuyến để đi khám chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi trong ngày, trong tuần, trong tháng không phải vì nhu cầu mà để “lấy” thuốc. Hoặc thông tuyến nhưng chưa liên thông phần mềm khám chữa bệnh và kết quả cận lâm sàng sẽ dẫn tới chi phí tăng. Mặt khác, thông tuyến làm cho các cơ sở y tế tìm mọi cách thu hút bệnh nhân dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong các cơ sở khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, có tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X.quang, thuốc… Một số bệnh viện tuyến huyện thiếu nhân lực, trang thiết bị y tế, do đó nhiều người quanh vùng đã đi khám tại các phòng khám tư nhân, sau đó xin chuyển lên tuyến trên dẫn đến số bệnh nhân vượt tuyến quá nhiều, từ đó xảy ra tình trạng các bệnh viện tuyến huyện vượt quỹ BHYT. Mặt khác, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cũng làm giảm hẳn số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã. Bởi do được thông tuyến nên nhiều người dân có tâm lý lựa chọn khám chữa bệnh ở tuyến trên. Trạm Y tế xã Nam Hùng đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiêu chuẩn y tế nông thôn mới với đầy đủ các phòng khám bệnh... Trước kia, khi chưa thực hiện thông tuyến, bình quân mỗi tháng trạm tiếp nhận khoảng 600 lượt người đến khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, từ khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã giảm hẳn, chỉ còn khoảng 200-350 lượt người. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh từ khi thực hiện thông tuyến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước là hướng về y tế cơ sở mà còn làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh, làm lãng phí nguồn lực của xã hội.
 
Để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện liên thông khám chữa bệnh BHYT, từ ngày 1-7-2016, BHXH tỉnh và Sở Y tế đã triển khai đồng bộ phần mềm quản lý dữ liệu đối với 100% cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh và toàn quốc. Theo đó, khi bệnh nhân đến khám chữa bệnh chỉ cần gõ mã vạch trên thẻ sẽ xuất hiện thông tin thời gian qua bệnh nhân đã điều trị ở đâu, đã uống thuốc gì. Đây sẽ là cơ sở để từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với những trường hợp lợi dụng thông tuyến để trục lợi quỹ BHXH. Ngoài ra, ngành Y tế và BHXH tỉnh tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế gia tăng đột biến số lượt khám, chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng và đưa ra những khuyến cáo không đúng quy định để thu hút người có thẻ BHYT đến sử dụng dịch vụ y tế bất hợp lý, đồng thời phối hợp thực hiện tốt việc quản lý liên thông dữ liệu, từ đó kiểm soát được số lượt người khám, hạn chế tình trạng người có thẻ BHYT đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng. Hai ngành cũng phối hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ngành Y tế tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các cơ sở tuyến huyện, tuyến xã, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động của các trạm y tế góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và giảm tình trạng bệnh nhân vượt tuyến./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com