Góp phần nâng cao chất lượng dân số tuyến biển

07:04, 03/04/2017
Thực tế những năm qua, tỷ lệ sinh con thứ 3 tại các huyện ven biển thường cao hơn mức bình quân của cả tỉnh; tỷ lệ người mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, số trẻ sinh ra bị dị tật, dị dạng và bị thiểu năng trí tuệ cũng cao. Nguyên nhân do đa số phụ nữ chuẩn bị kết hôn, phụ nữ mang thai chưa được tư vấn khám để ngăn ngừa những yếu tố chứa nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai và chất lượng thai nhi. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu, chưa phù hợp với môi trường khí hậu biển. 
 
Để góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình dân số - KHHGĐ về nâng cao chất lượng dân số vùng biển, thời gian qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương triển khai đồng bộ các nội dung của Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển tỉnh Nam Định đến năm 2020” (Đề án 52). Là 1 trong 3 huyện ven biển của tỉnh triển khai Đề án, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Nghĩa Hưng thành lập đội lưu động y tế dân số - KHHGĐ thực hiện công tác truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ. Các cấp, các ngành, đoàn thể của huyện đã tham gia tích cực, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động CLB như: “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” của Hội Nông dân; “CLB tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên; “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” của Hội Phụ nữ. Các xã, thị trấn quán triệt các quan điểm của Đảng về mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên, tăng nhanh tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại. Triển khai thực hiện Đề án 52, toàn huyện có trên 30 nghìn phụ nữ độ tuổi sinh đẻ được tư vấn và CSSKSS-KHHGĐ; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm từ 4,4% (năm 2012) xuống còn 1,6% (năm 2016); tỷ lệ giới tính khi sinh được kiểm soát theo hướng tích cực từ 120 cháu trai/100 cháu gái (năm 2012) xuống còn 115 cháu trai/100 cháu gái (năm 2016). Đến nay mục tiêu nâng cao chất lượng dân số ở Nghĩa Hưng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người sinh con thứ 3 giảm hẳn, mô hình nâng cao chất lượng dân số từng bước đem lại hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần, tuổi thọ người dân được nâng cao. Toàn huyện có 142/343 xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên. Tỷ lệ phát triển dân số duy trì ở mức dưới 1%; nhiều địa phương duy trì được tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở mức thấp trong nhiều năm; tiêu biểu như các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Thịnh và Thị trấn Quỹ Nhất… 
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Long (Giao Thuỷ) kiểm tra sức khoẻ trẻ sơ sinh.
Cán bộ Trạm Y tế xã Giao Long (Giao Thuỷ) kiểm tra sức khoẻ trẻ sơ sinh.
Tại huyện Giao Thủy, được tiếp nhận và triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển, Ban chỉ đạo dân số - KHHGĐ huyện đã đẩy mạnh công tác tư vấn và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại 9 xã, thị trấn ven biển, gồm: Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện, Giao Hải, Giao Long, Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm. Thông qua các hoạt động tư vấn, khám sức khỏe và cung cấp các dịch vụ CSSKSS và cung cấp các kiến thức về nuôi dạy con, đã CSSKSS cho 24.920 bà mẹ có con dưới 16 tuổi; phát hiện và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản cho 1.371 lượt phụ nữ; siêu âm miễn phí cho 1.745 người. Tổ chức nói chuyện chuyên đề về SKSS/KHHGĐ tại các xã Giao Lạc, Giao Thiện, Giao Long, Giao Xuân, Giao Hải. Phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức khám khiếm thính cho hơn 5.500 cháu mẫu giáo của 13 trường mầm non trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại 9 xã ven biển về KHHGĐ và phòng chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Về công tác CSSKSS, năm 2016, đã có 100% số bà mẹ mang thai được theo dõi, tư vấn và khám thai định kỳ; 21% số bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh (100% các đối tượng có nguy cơ cao được sàng lọc trước sinh); 15% số trẻ được sàng lọc sơ sinh. Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp dị dạng thai nhi, các bệnh thiếu men G6PD, suy giáp trạng bẩm sinh, được tư vấn và chuyển tuyến về khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong năm có hơn 10 nghìn lượt chị em được khám phụ khoa; đã cấp phát thuốc miễn phí điều trị cho hơn 3.000 chị mắc bệnh phụ khoa thông thường, chuyển lên tuyến trên hơn 100 chị bị mắc bệnh nặng. Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ y tế làm dịch vụ CSSKSS và thực hiện KHHGĐ. Đến nay 100% số trạm y tế xã đã đảm nhận được dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng các biện pháp tránh thai. Năm 2016 số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 73%; tỷ suất sinh là 15,50 0/ 00 (giảm 0,33 0/ 00 so với năm 2014); tỷ lệ sinh con thứ 3 là 14,16% (giảm 1% so với năm 2015); chỉ số giới tính khi sinh là 116 cháu trai/100 cháu gái; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm 0,31 0/ 00 so với năm 2015.
 
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 52, ngoài vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, có sự tham gia tích cực của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội với những phong trào và hoạt động thiết thực như: CLB “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” của Hội Nông dân; “CLB tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên; “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” của Hội Phụ nữ. Tiêu biểu là, Trung tâm Dân số - KHHGĐ 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy phối hợp với Hội Phụ nữ các địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại các xã ven biển. Cụ thể, hằng năm, các cấp Hội Phụ nữ tuyên truyền tới 100% cán bộ, hội viên về nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức CSSKSS phụ nữ, trẻ em, dân số - KHHGĐ, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng chống mua bán người…. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình CLB tại 18 xã ven biển như: CLB “Phụ nữ với pháp luật”; CLB “Gia đình không có người vi phạm trật tự ATGT”; CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Nuôi con bằng sữa mẹ”, CLB “Các bà mẹ có con tuổi vị thành niên”. Thông qua mô hình, các thành viên được trang bị kiến thức, cung cấp nhiều thông tin cần thiết như: CSSKSS, phương pháp nuôi dạy con theo khoa học, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh đó, hoạt động của đội ngũ làm công tác dân số đã góp phần nâng cao hiệu quả trong thực hiện Đề án 52. Năm 2016, Ban Dân số - KHHGĐ 18 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ phối kết hợp và lồng ghép các nội dung tuyên truyền về dân số - KHHGĐ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng ở địa phương. Trong đó, tổ chức 20 lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới và giới tính khi sinh cho cộng tác viên dân số; cán bộ dân số và cán bộ tư pháp xã với 2.390 lượt người tham dự. Tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh trên hệ thống truyền thanh ở xã với trên 1.000 tin, bài được phát. Tổ chức cung cấp thông tin về giới tính khi sinh cho 9.643 cặp đăng ký kết hôn. Tổ chức 1.118 buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản nghiêm cấm chọn lựa giới tính khi sinh thu hút 118.495 lượt người tham gia; cấp phát 9.000 tờ rơi. Ban Dân số - KHHGĐ các xã, phường, thị trấn cùng cộng tác viên dân số ở địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm, tư vấn tại nhà… để cung cấp thêm kiến thức về CSSKSS/KHHGĐ và phương tiện tránh thai cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
 
Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện tốt Đề án 52 đã góp phần nâng cao chất lượng dân số tuyến biển của tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com