Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người mà nó còn tác động xấu đến môi trường.
Tàn phá rừng, làm bạc màu đất: Thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 200 nghìn ha rừng trên thế giới đã bị chặt phá để lấy đất trồng thuốc lá. Mỗi năm người ta phải chặt 5 triệu ha rừng để lấy gỗ làm củi sấy thuốc lá. Rừng bị tàn phá cho mục đích sấy thuốc lá chiếm tới 1,7% diện tích rừng toàn cầu và khoảng 4,6% diện tích rừng của 66 nước trồng thuốc lá trên thế giới. Ở Việt Nam mỗi năm có 1,4% diện tích rừng bị chặt phá để phục vụ việc sản xuất thuốc lá. Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trở nên bạc màu, cằn cỗi..., đặc biệt là những nơi trồng thuốc lá ở vùng đồi dốc. Để phòng tránh sâu bệnh cho cây thuốc lá, người nông dân phải sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ càng làm đất bị chai cứng, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Tăng lượng chất thải độc hại, rác thải: Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất thông thường như bụi than, giấy vụn... nó còn tạo ra nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, như chất dầu, chất dẻo amoniac, etylen, glycol, nicotin... Bên cạnh sự ô nhiễm không khí từ khói thuốc do người hút, đầu mẩu thuốc lá vứt trong môi trường phải mất ít nhất 18 tháng mới phân hủy và có thể gây rò rỉ các chất độc hại ngấm vào đất. Mỗi năm có khoảng 275 tỷ vỏ bao thuốc lá được sản xuất và thải ra môi trường sau khi sử dụng.
Cháy rừng và hỏa hoạn: Mẩu tàn thuốc sau khi hút vứt ra môi trường dễ gây nên hỏa hoạn, cháy rừng. Theo thống kê, trên phạm vi toàn cầu, ước tính mỗi năm, thuốc lá gây ra thiệt hại khoảng 500 tỷ đô la Mỹ và khoảng một triệu vụ cháy mỗi năm. Khoảng 30% tổng số người chết ở Mỹ vì hỏa hoạn và 10% trên toàn thế giới là do hút thuốc gây ra. Ở Việt Nam, tàn thuốc cũng thiêu rụi hàng chục ha rừng mỗi năm./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định