Phòng chống dịch bệnh thời điểm giao mùa

09:02, 17/02/2017
Mùa xuân, tiết trời có những đợt rét kèm theo mưa phùn, khi thì lại có đợt hanh khô, khi là những đợt nồm ẩm ướt, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch nhiều… là những yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đồng thời thuận lợi cho vi-rút cúm phát triển. Thời điểm này, trẻ em dễ mắc cúm và các bệnh viêm mũi họng xuất tiết, viêm họng Amidan, viêm phế quản - phổi, tiêu chảy do vi-rút và các bệnh truyền nhiễm như sởi, tay - chân - miệng, vi-rút Zika...; người cao tuổi, mắc các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng, cao huyết áp, đột quỵ… 
 
Ngay từ những ngày đầu xuân mới, Bệnh viện Đa khoa Ý Yên có khá đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Trung bình mỗi ngày bệnh viện có trên 100 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm có khoảng 200 bệnh nhân; trong đó khoảng 30-40% bệnh nhân là người già và trẻ em mắc các bệnh về hô hấp, bệnh mãn tính về xương khớp, huyết áp… Theo các bác sĩ điều trị ở bệnh viện, với thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay, các bậc cha mẹ có con nhỏ cần quan tâm chăm sóc con em kỹ hơn. Ngoài việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng sức đề kháng cho trẻ, cần chú ý đến chất liệu và số lượng quần áo phù hợp với thời tiết; đặc biệt có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình, bởi hầu hết các bệnh lý này lây qua đường hô hấp. Khi trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi, cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… Tại Bệnh viện Nhi tỉnh, phần lớn trẻ mắc các bệnh như bệnh về đường hô hấp: viêm họng, viêm phế quản, phổi, viêm mũi dị ứng và sốt phát ban, sốt vi rút, tiêu chảy... Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người cao tuổi đến khám chủ yếu mắc các bệnh tê yếu tay chân, đau ngực, huyết áp không ổn định, cảm lạnh, cúm…
Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu chuẩn bị vắc-xin phòng chống dịch bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu chuẩn bị vắc-xin phòng chống dịch bệnh.
Để ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh thời điểm giao mùa, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh có nguy cơ lây truyền cao tại các cơ sở điều trị. Các điểm tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch trong mùa đông - xuân, tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng tránh chủ động các bệnh cảm lạnh, cúm, viêm phổi, viêm họng, cao huyết áp, đột quỵ ở người cao tuổi; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ cho các xã, phường trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch và các đội phòng chống dịch; xây dựng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phục vụ phòng chống dịch. Lực lượng cán bộ chuyên môn của các đội cơ động chống dịch thường xuyên túc trực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công. Ngoài ra Trung tâm cũng tăng cường công tác giám sát bệnh nhân từ tuyến cơ sở, phát hiện sớm những trường hợp đầu tiên, triển khai các biện pháp chống dịch tích cực, kịp thời không để dịch lan rộng. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan trong việc triển khai công tác phòng chống dịch; tiến hành kiểm tra, phúc tra các ổ dịch cũ và các vùng trọng điểm để phát hiện người lành mang trùng cùng với các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát và chống dịch cho cán bộ y tế cơ sở, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân các biện pháp phòng tránh chủ động các bệnh thường gặp trong mùa đông - xuân, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi như các bệnh cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, cúm, cao huyết áp… Ngành Y tế khuyến cáo người dân luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hằng ngày, không thức khuya, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh bị nhiễm lạnh để phòng bệnh. Đối với người cao tuổi thường có thói quen dậy sớm tập thể dục nhưng trong thời điểm giao mùa, nhất là vào lúc sáng sớm tiết trời se lạnh cần phải giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời. Đối với trẻ em, ngoài việc mặc quần áo phù hợp khi thời tiết thay đổi, khi ra đường nên mang khẩu trang để tránh khói bụi, mầm bệnh. Riêng người cao tuổi, cần theo dõi những biểu hiện của bệnh tai biến mạch máu não là tê tay chân, yếu liệt tay chân, đau ngực, giọng nói nghe khó khăn hơn, huyết áp không ổn định… nên đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị bệnh. Đặc biệt, những bệnh nhân có nguy cơ cao nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp, cúm A/H1N1, A/H5N1… cần khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và ngành Y tế cần tiến hành khoanh vùng ổ dịch kịp thời./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com