Chủ động ứng phó dịch thủy đậu

08:02, 14/02/2017

Dịch thủy đậu thường phát triển theo mùa, trong khoảng tháng 2-6. Đỉnh dịch sẽ rơi vào khoảng tháng 4, 5 và lây lan rất nhanh. Vì thế, các nhà chuyên môn dự báo, nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, nguy cơ bệnh sẽ bùng phát rất nhanh trong thời gian tới. Trước tình hình này, mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra khuyến cáo với người dân, để phòng tránh bệnh thủy đậu.

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi-rút Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn). Vi-rút có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày và thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.

Theo các bác sĩ, mặc dù thủy đậu là bệnh khá lành tính, nhưng cũng không thể chủ quan, bởi bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tủy... Bởi bệnh rất dễ truyền nhiễm và lây lan thông qua sự đụng chạm vào bọng nước từ người bị thủy đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm bệnh. Trẻ nhiễm bệnh thủy đậu thường dễ lây bệnh cho bạn bè ở nhà trẻ, mẫu giáo, lớp bán trú. Thủy đậu có thể gây tử vong ở đối tượng trẻ quá nhỏ, trẻ đang điều trị ung thư máu hoặc ở trẻ có biến chứng viêm não nặng. Viêm não là biến chứng rất nguy hiểm của thủy đậu, dù hiếm gặp. Nguyên nhân là do phụ huynh chăm sóc không đúng cách. Nhiều phụ huynh đã tự ý bôi thuốc, bôi lá lên vết bọng nước của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.

Trong môi trường khép kín (như gia đình, trường học, Cty…), nếu có 1 người mắc bệnh thủy đậu thì các thành viên khác rất dễ lây nếu không có biện pháp phòng ngừa và cách ly kịp thời. Người càng lớn tuổi mắc thủy đậu sẽ càng nặng.

Để phòng ngừa thủy đậu, tốt nhất nên tiêm 2 mũi vắc-xin, cách nhau ít nhất 3 tháng. Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Phụ nữ muốn có con thì nên tiêm trước khi có ý định mang thai khoảng 1 tháng. Nếu mẹ đã tiêm ngừa thì con sinh ra cũng được phòng bệnh cho đến 9 tháng tuổi. Người từng mắc bệnh có thể an tâm mình được miễn dịch hoàn toàn bởi một người chỉ mắc thủy đậu một lần trong đời.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và người thân cũng cần phòng bệnh cho bản thân để tránh trở thành nguồn trung gian lây bệnh cho con. Đặc biệt, không tiếp xúc với trẻ khi đi làm về mà chưa thay quần áo,  không cho trẻ ăn khi chưa vệ sinh tay chân...

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com