Theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, đến ngày 31-10-2016, toàn tỉnh đã phát hiện được 5.449 người nhiễm HIV, 3.040 bệnh nhân AIDS và 1.384 người tử vong do AIDS. Số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị ARV tại các phòng khám ngoại trú (PKNT) trên địa bàn tỉnh là 1.241 người, chiếm 64,3% số người nhiễm HIV hiện còn sống đủ điều kiện điều trị. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về việc kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS, mạng lưới cơ sở điều trị HIV/AIDS thuộc Sở Y tế đã được kiện toàn theo mô hình mới với 8 cơ sở, bao gồm: Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Nhi tỉnh; Phòng khám Chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Ý Yên. Đến thời điểm hiện tại, có 558/1.241 người nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của tỉnh tham gia BHYT (chiếm 44,9%). Toàn tỉnh đã có 3 cơ sở điều trị HIV/AIDS ở Bệnh viện Đa khoa các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) đã ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV.
|
Tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và Điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Điều trị ARV đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phòng, chống HIV/AIDS. Các hoạt động chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV bằng ARV đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài cuộc sống của người nhiễm, khống chế sự lây truyền của HIV; góp phần khống chế đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện nay việc duy trì và mở rộng điều trị ARV cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn: Số lượng người nhiễm HIV mặc dù đã giảm, nhưng chưa ổn định. Số lũy tích HIV và AIDS vẫn tiếp tục tăng cao, gây khó khăn cho công tác phòng chống cũng như điều trị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 35,7% số người nhiễm HIV chưa được điều trị hoặc chưa đủ điều kiện điều trị. Đặc biệt, việc duy trì và mở rộng điều trị ARV đang gặp nhiều khó khăn do các nguồn viện trợ nước ngoài cho phòng, chống HIV/AIDS đang cắt giảm mạnh. Theo Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) năm 2017 sẽ cắt 40% tiền thuốc ARV và năm 2018 sẽ cắt toàn bộ thuốc ARV viện trợ cho nước ta. Trong khi đó, cam kết viện trợ của Quỹ Toàn cầu cho nước ta chỉ đến tháng 12-2017. Trong khi vấn đề kinh phí để mua thuốc ARV, kinh phí cho điều trị, xét nghiệm HIV, xét nghiệm tế bào CD4, tải lượng vi-rút, điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV đang là nhu cầu bức thiết… Mặt khác, hiện tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 44,9%. Nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp là do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền mua BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước; người nhiễm HIV lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT… Ngoài ra, khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị và nâng cao năng lực cán bộ triển khai chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS do các Dự án đang cắt giảm nguồn kinh phí hỗ trợ; việc thiếu cán bộ chuyên trách về chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại cơ sở điều trị; chưa có chế độ thỏa đáng cho cán bộ làm công tác chăm sóc, tư vấn và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS ở tuyến huyện, xã...
Mục tiêu tỉnh ta đặt ra từ nay đến năm 2020 là: Triển khai khám, chữa bệnh HIV/AIDS thông qua BHYT tại 10 huyện, thành phố; 90% người nhiễm HIV trên địa bàn được quản lý tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và được điều trị ARV; đảm bảo cho bệnh nhân được tiếp cận với cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS phù hợp theo quy định. Hiện tại Sở Y tế đang nỗ lực đẩy nhanh việc thanh toán thuốc ARV qua BHYT, chỉ đạo các đơn vị thực hiện mở rộng tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT, đồng thời tích cực huy động các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS qua các giải pháp: Tăng cường tiếp cận với chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; Mở rộng cải thiện chất lượng chăm sóc điều trị HIV/AIDS; Tăng cường năng lực của các cơ sở điều trị HIV/AIDS; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về quyền lợi, trách nhiệm, cách thức tham gia BHYT. Bởi khi nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV bị cắt giảm thì BHYT là nguồn tài chính cơ bản và bền vững để điều trị ARV cho người bệnh HIV/AIDS trong thời gian tới. Do vậy, cùng với ngành Y tế, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị các điều kiện cần thiết sớm thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua BHYT. Các cơ sở khám, chữa bệnh HIV/AIDS cần tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cho người bệnh, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng, cách thức tham gia và quyền lợi khi tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS theo hướng lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh chung, bảo đảm các điều kiện để BHYT có thể chi trả cho điều trị HIV/AIDS./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận