Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có chức năng khám, chữa bệnh chuyên khoa và phục hồi chức năng bằng y dược học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, nghiên cứu khoa học, thừa kế bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền, đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y dược học cổ truyền của các cơ sở đào tạo y, dược. Hiện tại bệnh viện có quy mô 179 giường bệnh, 14 khoa, phòng với 14 bác sĩ, trong đó 2 thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa cấp 1, 8 bác sĩ chuyên khoa định hướng và chuyên khoa y học cổ truyền.
|
Bệnh nhân tập phục hồi chức năng tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. |
Được sự quan tâm của UBND tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã được xây mới khu khám bệnh và các phòng chức năng, khoa cận lâm sàng thuận tiện cho công tác khám, chữa bệnh. Với đặc thù là tuyến khám, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền cao nhất của tỉnh nên bệnh viện có số lượng bệnh nhân đông và hầu hết là các bệnh khó như: Di chứng tai biến mạch máu não, di chứng thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, viêm đa dây thần kinh, di chứng tai nạn giao thông… Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, việc hiện đại hóa công tác khám, chữa bệnh y học cổ truyền và kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại được bệnh viện quan tâm bằng việc tăng cường đầu tư các máy phục hồi chức năng và một số trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán như: máy kéo giãn cột sống, máy siêu âm điều trị, lader nội mạch, máy điện phân, máy điện xung, máy tập đa năng toàn thân, máy siêu âm, máy X. quang, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy phân tích nước tiểu, máy đo độ loãng xương, máy điện tâm đồ 6 cần, máy đo lưu huyết não, đèn hồng ngoại… và các trang thiết bị cho công tác dược như: dàn sắc thuốc tự động bằng lò hơi riêng cho từng người, từng bệnh, máy sao thuốc, kệ giá phơi thuốc ngoài trời… Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hằng năm, bệnh viện cử khoảng 1-2 đợt cán bộ gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi học nâng cao trình độ kiến thức về nội khoa và vật lý trị liệu phục hồi chức năng như các kỹ thuật: điện tâm đồ, đo độ loãng xương, đo lưu huyết não… tại các trường: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Bạch Mai. Trong nhiều năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều đợt cán bộ gồm các thạc sĩ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương về hỗ trợ các kỹ thuật theo Đề án 1816. Các kỹ thuật được chuyển giao bao gồm: điện châm, đại trường châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi… kết hợp với việc điều trị một số bệnh khó như tai biến mạch máu não, di chứng bại não ở trẻ em, đồng thời chỉ đạo về các phương pháp điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, kết hợp khám, chữa bệnh giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, cập nhật những thông tin mới về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Do vậy, nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính được khám, điều trị theo các kỹ thuật được chuyển giao đạt kết quả khả quan. Cùng với việc cử cán bộ đi học tập nâng cao trình độ và tiếp nhận các cán bộ của bệnh viện tuyến Trung ương về hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cũng cử nhiều kíp cán bộ về chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Bệnh viện cũng là cơ sở thực tập, giảng dạy cho sinh viên Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, học sinh Trường Trung cấp Y tế Nam Định và các tuyến gửi lên. Tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các kỹ thuật mới, những bài thuốc hay đang được áp dụng hiệu quả như: các kỹ thuật và kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt... Để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học tại bệnh viện được đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm các khoa, phòng đăng ký đề tài, viết đề cương và thông qua Hội đồng kỹ thuật bệnh viện.
Với nhiều biện pháp đồng bộ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, số bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng cao. Trong 11 tháng năm 2016, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện trên 4.000 bệnh nhân, trong đó, số điều trị nội trú tại bệnh viện đạt 124,2% kế hoạch/năm, công suất sử dụng giường bệnh đạt 105,9%, số ngày điều trị trung bình tại bệnh viện giảm từ 25 ngày xuống còn 21,3 ngày, số bệnh nhân chuyển tuyến chỉ còn khoảng chục ca mỗi năm./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận