Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật, tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế, thực hiện công bằng và nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Việc tham gia BHYT có nhiều lợi ích quan trọng đối với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, lợi ích của nó không phải ai cũng hiểu.
Hiện nay, một số bộ phận người dân có cách hiểu sai lệch về BHYT. Họ cho rằng BHYT là hình thức phục vụ lợi ích cho một bộ phận nào đó hay như khi đi khám với BHYT thường phải chờ đợi, thuốc được cấp phát không đảm bảo chất lượng, thái độ phục vụ không được như ý. Đây là cách nhìn phiến diện về lợi ích của việc tham gia BHYT, họ không biết rằng BHYT mang lại lợi ích vô cùng to lớn tới toàn dân, chứ không hề vụ lợi làm giàu cho một bộ phận hay tổ chức nào cả. Hay như việc mọi người thường hay chủ quan với tình trạng sức khỏe của bản thân, nhưng trong cuộc sống, không một ai có thể tránh khỏi những lúc ốm đau bệnh tật. Nếu chỉ cúm hay sốt nhẹ thì không vấn đề gì, nhưng có nhiều trường hợp không may mắc phải những bệnh nan y và hiểm nghèo như ung thư, suy thận mà phải chạy thận nhân tạo, bệnh tim mạch, tim bẩm sinh, các bệnh cấp cứu… nếu những người này không tham gia BHYT thì việc chi phí cho mỗi lần xạ trị, chạy thận, hay phẫu thuật, điều trị… là rất lớn. Nhiều gia đình đã phải bán cả nhà cửa, ruộng vườn để lấy tiền chữa bệnh. Trong khi đó, nếu tham gia BHYT thì BHYT sẽ chi trả gần như toàn bộ số chi phí trong việc khám và điều trị bệnh. BHYT mang ý nghĩa nhân đạo cộng đồng sâu sắc vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT thì những người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau bệnh tật. BHYT góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. BHYT mang tính xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh. Theo Luật BHYT, có một số đối tượng được miễn phí đóng BHYT và một số đối tượng phải đóng BHYT bắt buộc. Vì vậy, mọi người dân chưa tham gia BHYT, vì sức khỏe và quyền lợi của bản thân, gia đình và xã hội hãy tham gia BHYT để tiến tới “BHYT toàn dân’’./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định