Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh mà vẫn đúng tuyến, không bị coi là trái tuyến. Như vậy, quy định thông tuyến khám, chữa bệnh của Luật BHYT đã mang lại điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế khám, chữa bệnh ban đầu theo nguyện vọng và gần nhất, nhanh nhất nhưng vẫn được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh theo mức quyền lợi. Việc thông tuyến đã giúp người dân có quyền lựa chọn nơi mình muốn đến khám bệnh. Do vậy, bệnh viện nào có chất lượng phục vụ tốt, người bệnh sẽ tìm đến khám và điều trị bệnh.
Điều đáng nói, việc sửa đổi Luật BHYT theo Thông tư 40 hướng dẫn còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế được hưởng BHYT khi phải đi làm ăn, học tập xa địa phương, đó là: Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu. Như vậy, thì việc mua BHYT ở tỉnh này và được khám, chữa bệnh ở tỉnh khác cùng tuyến tương đương đã đảm bảo quyền lợi của người dân khi họ đi làm, học tập tạm thời ở các địa phương khác./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định