Bảo hiểm y tế (BHYT) nói chung, BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) nói riêng là một trong những chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và đề cao trong hệ thống an sinh xã hội. Việc tham gia BHYT nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính, đề phòng rủi ro khi đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải chi phí lớn, cũng như góp phần cùng xã hội chia sẻ rủi ro cho những người bị bệnh hoặc bị tai nạn. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho mọi người về tham gia BHYT là rất cần thiết.
Ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% chi phí mua BHYT, đối tượng HSSV còn được hưởng những quyền lợi BHYT sau đây:
- HSSV được đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các bệnh viện quận, huyện và tương đương theo danh sách của cơ quan BHXH cung cấp hằng năm.
- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí của BHYT.
- Được thanh toán 100% chi phí KCB nếu tổng chi phí KCB 1 lần thấp hơn 15% mức lương tối thiểu (điểm b khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014).
- Được thanh toán 80% chi phí KCB nếu KCB đúng theo quy định. Kể cả khi thực hiện KCB có dịch vụ có chi phí lớn (nhưng không quá 40 tháng lương tối thiểu cho 1 lần sử dụng dịch vụ).
- Các trường hợp tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên sẽ được quỹ BHYT thanh toán 80% của 50% thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế (Thông tư liên tịch 09/2009/TTLT-BYT- BTC ngày 14-8-2009 quy định tại điểm a khoản 4 Điều 7).
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
- Trường hợp cấp cứu được khám và điều trị ở bất kỳ cơ sở KCB nào nhưng trước khi ra viện phải trình thẻ BHYT để được hưởng 80% theo quy định (khoản 2 Điều 28 Luật BHYT sửa đổi bổ sung năm 2014).
- Các trường hợp đi KCB nội trú không đúng cơ sở KCB, có trình thẻ BHYT thì được hưởng quyền lợi theo hạng bệnh viện:
+ Được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh.
+ Được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương.
- Các trường hợp đi KCB ở các cơ sở y tế không đăng ký hợp đồng KCB với BHXH mà không trình thẻ
BHYT thì được thanh toán theo thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá quy định của Thông tư liên tịch 09/2009/TTLT-BYT-BTC. Theo đó người bệnh phải làm hồ sơ thanh toán trực tiếp với BHXH bao gồm:
- Thẻ BHYT còn giá trị.
- Giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo mẫu.
- Các chứng từ y tế liên quan đến điều trị bệnh, tai nạn (giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật, toa thuốc, bản kê chi phí nằm viện, biên lai thu tiền viện phí) có ký đóng dấu đầy đủ.
- Biên bản tai nạn (trong các trường hợp tai nạn phức tạp).
- Giấy tờ khác tùy từng trường hợp cụ thể.
Về phía cơ quan BHXH: Theo khoản 2 Điều 19 Thông tư liên tịch 09/2009/TTLT-BYT-BTC quy định: “Trong thời hạn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của người tham gia BHYT khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, thành phố; trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thanh toán của người tham gia BHYT khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế của tỉnh khác và khám bệnh, chữa bệnh ở nước ngoài, BHXH có trách nhiệm thẩm định và thanh toán cho người bệnh”./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định