Nâng cao chất lượng bệnh viện, góp phần điều trị tốt cho người bệnh

08:05, 14/05/2016
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Mục tiêu của Bộ Tiêu chí là cung cấp công cụ đánh giá thực trạng để tiến hành các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng bệnh viện nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nhân viên y tế. Theo đó chất lượng mỗi bệnh viện được dựa trên mức độ của 84 tiêu chí, trong đó có 19 tiêu chí hướng đến người bệnh, 14 tiêu chí phát triển nguồn nhân lực, 38 tiêu chí về hoạt động chuyên môn, 8 tiêu chí về cải tiến chất lượng, 4 tiêu chí thuộc đặc thù chuyên khoa và 1 tiêu chí đánh giá so sánh việc tích cực cải tiến chất lượng bệnh viện và áp dụng các mô hình, phương pháp cải tiến chất lượng. 
 
Sau 2 năm thực hiện Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện với quan điểm “Lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”, các bệnh viện trong tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo, bổ sung để đảm bảo về nhân lực y tế, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Hầu hết các bệnh viện đã thiết lập hội đồng, mạng lưới quản lý xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện. Một số bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa các huyện Hải Hậu, Mỹ Lộc, Bệnh viện Nhi đã cải tiến được khoa khám bệnh, giảm thời gian chờ của người bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám, chữa bệnh. Các bệnh viện cũng từng bước đổi mới cơ chế quản lý, cung cách điều hành, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng CNTT nên từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên và giảm nhiều các tai biến, sai sót trong chuyên môn, tạo chuyển biến về tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Các bệnh viện đã tích cực quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cảnh quan, môi trường để chăm sóc người bệnh ngày một tốt hơn. Quyền và lợi ích của người bệnh ngày càng đảm bảo. Các bệnh viện cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh, đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại như cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, kê thêm giường bệnh nhằm giảm thời gian chờ khám bệnh và thời gian thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng, thời gian thanh toán… cho người bệnh. Cơ cấu nguồn nhân lực của các bệnh viện hiện tương đối ổn định. Nhân viên y tế tại bệnh viện được đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, được thực hiện đầy đủ chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ. Môi trường, điều kiện làm việc, vệ sinh lao động, sức khỏe, đời sống tinh thần của nhân viên y tế đã từng bước được cải thiện. Một số bệnh viện đã tích cực triển khai thực hiện thêm các kỹ thuật mới; tiêu biểu như Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và một số bệnh viện khác thuộc Dự án NORRED hỗ trợ. Chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện đã được đảm bảo sau khi có sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án FHI cho các bệnh viện tuyến huyện. Trong năm 2015, các bệnh viện đã tập trung cải tiến, chất lượng cao hơn năm 2014 bình quân 15-20%. Trong đó, một số bệnh viện ở nhóm cao là Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh. Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu là đơn vị dẫn đầu các bệnh viện trong tỉnh về tổng số điểm của các tiêu chí và điểm bình quân chung các tiêu chí áp dụng. Một số đơn vị có cải tiến về chất lượng hơn hẳn so với năm 2014 như: Bệnh viện Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, Bệnh viện Đa khoa Xuân Trường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các bệnh viện đều áp dụng cận lâm sàng để chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả cao; tiêu biểu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường… Năm 2015, có thêm Bệnh viện Nội tiết áp dụng Bộ Tiêu chí để kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện. 
Chụp X-quang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc.
Chụp X-quang cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc.
Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 theo Bộ Tiêu chí cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại. Một số bệnh viện như: Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình ở nhóm thấp. Nhân lực bác sĩ không phân bố đồng đều giữa các bệnh viện. Bên cạnh các bệnh viện có nhiều bác sĩ như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (140 bác sĩ), Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu (53 bác sĩ), Bệnh viện Phụ sản tỉnh (47 bác sĩ)…, ở một số bệnh viện có ít bác sĩ như Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi, Bệnh viện Nội tiết… Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, vai trò của nguồn lực bác sĩ rất quan trọng, bởi họ chính là người thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, các kỹ thuật mới. Do vậy cần có các chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực bác sĩ về công tác tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh. Về hoạt động chuyên môn, hầu hết các bệnh viện chưa thực hiện được hết các dịch vụ kỹ thuật phân tuyến. Trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh tỷ lệ thực hiện mới đạt 79%, Bệnh viện Đa khoa Xuân Trường đạt 64%, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng đạt 63%, Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy đạt 60%... Cơ cấu người bệnh đến khám tại các bệnh viện cũng không đồng đều. Các bệnh viện có tỷ lệ người dân đến khám BHYT cao là Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định, Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Trực. Các bệnh viện có tỷ lệ viện phí cao là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng. Các bệnh viện có tỷ lệ viện phí thấp cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút người bệnh khám đúng tuyến hoặc tự nguyện đến. 
 
Năm 2016 và những năm tiếp theo, công tác khám, chữa bệnh đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Trước hết là việc tăng giá 1.800 dịch vụ kỹ thuật các bệnh viện đồng hạng trong toàn quốc; dự kiến tăng quý 2-2016, tăng từ 2 đến 5 lần tùy theo từng dịch vụ kỹ thuật. Dự kiến giữa năm 2016 sẽ tính cả lương và các phụ cấp khác vào các dịch vụ kỹ thuật và các bệnh viện sẽ phải từng bước tiến hành tự chủ theo lộ trình. Mặt khác việc thông tuyến huyện đối với khám, chữa bệnh BHYT sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt giữa các bệnh viện và tiến tới thông tuyến tỉnh và toàn quốc theo lộ trình thích hợp. Bởi vậy việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở các bệnh viện đang là vấn đề sống còn. Để tồn tại, các bệnh viện cần tích cực triển khai, áp dụng các kỹ thuật mới thuộc phân tuyến và các kỹ thuật của tuyến trên, các sáng kiến của các đơn vị khác để cải tiến hoạt động cũng như tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com