Bệnh do vi-rút Zika và cách phòng chống

08:04, 22/04/2016
Với tốc độ lây lan nhanh chóng, bệnh do vi-rút Zika gây ra đã khiến cho cộng đồng thế giới lo ngại bởi chưa có vắc-xin phòng bệnh và có thể có mối liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm vi-rút Zika. Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện có trường hợp nhiễm vi-rút Zika. Vì vậy, phương pháp phòng tránh, tự bảo vệ trước vi-rút nguy hiểm này đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. 
 
Dấu hiệu và phương thức lây truyền của bệnh do vi-rút Zika
 
Biểu hiện của bệnh do vi-rút Zika là:
 
- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
 
- Viêm xung huyết kết mạc (đau mắt), đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt và suy nhược.
 
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
 
Phương thức lây truyền chủ yếu của vi-rút Zika là qua muỗi Aedes (loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) và có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận là rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3-12 ngày.
 
Hầu hết các trường hợp nhiễm vi-rút Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa hoặc không có biểu hiện triệu chứng do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được; hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do vi-rút Zika.
 
Tuy nhiên, các điều tra dịch tễ cho thấy có thể có mối liên hệ giữa chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh được sinh từ những bà mẹ bị nhiễm vi-rút Zika trong thời kỳ mang thai, nhất là ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm vi-rút Zika và hội chứng Guillain - Barré - viêm đa rễ thần kinh.
 
Phòng bệnh 
 
Bệnh do vi-rút Zika hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Vì vậy, việc triển khai các biện pháp nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh bằng cách diệt muỗi truyền bệnh và các ổ chứa của muỗi, bọ gậy là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh.
 
Để chủ động phòng chống bệnh do vi-rút Zika, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
 
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
 
- Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
 
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày.
 
- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
 
- Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi-rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
 
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.
 
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com