Những điều cần biết về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

08:11, 13/11/2015
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý đặc trưng thuộc đường hô hấp làm tắc nghẽn đường thở và không hồi phục hoàn toàn. COPD có 2 dạng: dạng viêm phế quản mạn tính và dạng khí phế thũng. COPD được coi là “kẻ giết người thầm lặng” đối với con người bởi bệnh thường khó phát hiện ở giai đoạn sớm và diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng. COPD là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để có phương pháp điều trị kịp thời, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. 
 
Triệu chứng:
 
Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè, có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm. Khó thở trong COPD là một loại khó thở dai dẳng và xảy ra từ từ. Ở giai đoạn nhẹ, khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức, vận động thể lực mạnh (leo cầu thang, đi bộ đường dài, mang vác nặng…). Khi bệnh tiến triển nặng lên, người bệnh khó thở ngay cả trong những hoạt động hằng ngày (mặc áo quần, rửa tay chân hay cả lúc nghỉ ngơi) và đôi khi phải thở bằng bình ôxy. Thở khò khè giống như hen suyễn vì phế nang bị sưng nề và xuất tiết nhiều đờm làm nghẽn đường dẫn khí. Ho lúc đầu vào buổi sáng và ho gián đoạn, sau đó dần dần ho suốt ngày đêm. Ho ra đờm, lúc đầu ít, lỏng, càng về sau càng đặc quánh. Đờm của bệnh COPD thường trong hoặc hơi đục, đôi khi đờm có màu hơi vàng. Người bệnh luôn luôn cảm thấy mệt mỏi, lười vận động, chán ăn do thiếu dưỡng khí.
 
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Nguyên nhân:
 
Nguyên nhân chính của bệnh COPD là do tiếp xúc lâu dài với chất kích thích trong không khí, bao gồm: Khói thuốc lá, cần sa; Ô nhiễm không khí; Khói, bụi từ bếp than, củi, rơm, rạ... hoặc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp như: bụi silic, bụi amiăng...; Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây COPD.
 
Cách phòng chống:
 
Hiện nay, bệnh COPD chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có thể phòng ngừa được. Để phòng bệnh COPD cần phải:
 
- Không hút thuốc lá hoặc nếu có hút thì hãy bỏ hút thuốc ngay.
 
- Hạn chế tiếp xúc với khói và bụi hóa chất.
 
- Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường nhiều hóa chất và khói bụi thì nên trang bị dụng cụ bảo hộ an toàn.
 
- Tránh bị nhiễm trùng hô hấp khi bị cảm cúm.
 
- Nếu đã bị bệnh thì nên tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ điều trị.
 
- Bệnh nhân COPD cần uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, ăn các loại thực phẩm lành mạnh, tránh đám đông và không khí lạnh./.
 
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com