Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

09:10, 13/10/2015
Trong tổng số hơn 43 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta chỉ có 54 ca nghi mắc SXH tại 30 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thành phố. Trong đó Thành phố Nam Định có 14 ca SXH tại 8 xã, phường; huyện Xuân Trường có 9 ca; huyện Nghĩa Hưng có 8 ca; huyện Vụ Bản có 8 ca; huyện Ý Yên có 7 ca; các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh, mỗi huyện rải rác vài ba ca.
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, thực hiện Công điện số 1632/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có Công văn số 247 ngày 16-9-2015 chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường phòng chống dịch SXH. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch SXH như: Tổ chức tập huấn cho mạng lưới CTV và y tế cơ sở; giám sát dịch tễ chủ động, kiểm tra giám sát; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy; truyền thông giáo dục sức khỏe… Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố khẩn trương triển khai giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh nghi mắc SXH tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị. Căn cứ tình hình SXH của địa phương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chọn một số xã có nguy cơ cao về dịch SXH như: xã Mỹ Xá (TP Nam Định), xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng), xã Đại Thắng (Vụ Bản), xã Liêm Hải (Trực Ninh), xã Xuân Phong (Xuân Trường) để triển khai các hoạt động xây dựng mạng lưới cộng tác viên, chuyên trách về SXH, phun hóa chất diệt muỗi… Tại các xã, phường đang là “điểm nóng” về SXH, Trung tâm thực hiện giám sát dịch tễ chủ động bao gồm: giám sát bệnh nhân, giám sát huyết thanh và vi-rút, giám sát véc-tơ truyền bệnh nhằm phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can thiệp xử lý, ngăn chặn sự bùng phát dịch. Các hộ gia đình tại các xã, phường trọng điểm đều được cung cấp kiến thức phòng, chống SXH. Ngoài ra, hoạt động giám sát cũng được triển khai tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh với việc giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH hằng tháng (5-7 điểm/tháng) và giám sát bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào thứ 5 hằng tuần). Cùng với giám sát dịch tễ chủ động, Sở Y tế đã tổ chức giám sát trọng điểm tại một số bệnh viện tuyến huyện. Theo phân công, phân cấp giám sát dịch SXH, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định giám sát tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định và Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định. Trung tâm Y tế các huyện giám sát tình hình dịch tại bệnh viện trên địa bàn; thu thập và phân tích số liệu hằng tháng hoặc đột xuất, dự báo dịch và đề xuất các biện pháp phòng, chống kịp thời gửi về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tổng hợp, phân tích, báo cáo Sở Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương định kỳ hoặc đột xuất để có sự hỗ trợ kịp thời trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Trong dịp này, tại các địa bàn có nguy cơ cao về dịch SXH như Thành phố Nam Định, các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cung cấp hóa chất diệt côn trùng và máy phun hóa chất; phối hợp với các Trung tâm Y tế huyện, thành phố triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc-tơ truyền bệnh, đặc biệt là trước khi tiến hành phun hóa chất diệt muỗi. 
Nhân dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) tổ chức vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.
Nhân dân xã Hợp Hưng (Vụ Bản) tổ chức vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh.
Cùng với tăng cường công tác tập huấn, giám sát, tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, Sở Y tế đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở về phòng, chống SXH. Tại những địa bàn là “điểm nóng” về SXH, các CTV đến tận các hộ gia đình để tuyên truyền về bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các gia đình xử lý các ổ bọ gậy (loăng quăng), muỗi truyền bệnh; tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy; kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng và báo cho trạm y tế cấp xã. Cán bộ chuyên trách SXH tại các xã điểm, ngoài thực hiện nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, còn là đầu mối triển khai, phổ biến các hoạt động phòng, chống SXH trong nhân dân; giám sát, hướng dẫn, đánh giá hoạt động của CTV, giao ban với CTV trong khu vực phụ trách hằng tháng. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh ở cả 3 cấp tổ chức thường trực, theo dõi sát số lượng bệnh nhân để huy động nhân viên kịp thời; dự trữ đủ cơ số thuốc, dịch truyền, trang thiết bị và các điều kiện đảm bảo cho phòng chống dịch bệnh SXH. Trung tâm Y tế dự phòng các tuyến chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch SXH. Các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Qua việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH, đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch SXH trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt. Trong tổng số 54 ca nghi mắc SXH, có 52 ca đã xuất viện, 2 ca còn lại đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
 
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để tăng cường phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới, người dân cần thực hiện các biện pháp để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./. 
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com