Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, được Viện Dinh dưỡng đánh giá là một trong những tỉnh triển khai hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng (PCSDD). Năm 2015, tỷ lệ SDD trẻ em dưới 5 tuổi ở tỉnh ta tính theo cân nặng là 12,82%, tỷ lệ trẻ SDD tính theo chiều cao còn 18,2%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành trên cả nước.
|
Tư vấn về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Hải Hà (Hải Hậu). |
Có được kết quả trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông PCSDD, phòng thiếu vi chất dinh dưỡng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Tại tuyến tỉnh, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em; đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em, Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, Ngày Vi chất dinh dưỡng... Tại tuyến huyện, hệ thống đài phát thanh các huyện, thành phố đã tập trung tuyên truyền về nội dung chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, PCSDD; treo băng rôn, pa nô, áp phích về dinh dưỡng hợp lý; triển khai góc tư vấn dinh dưỡng tại khoa CSSKSS của trung tâm y tế các huyện, thành phố. Tại tuyến xã, hoạt động truyền thông được thực hiện trực tiếp. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV dinh dưỡng tổ chức đến các gia đình có con dưới 2 tuổi, con bị SDD, phụ nữ có thai để hướng dẫn cách nuôi trẻ, cách cho bú đúng, cách tô màu bát bột và tư vấn ăn uống đủ chất cho phụ nữ có thai từ các sản phẩm sẵn có của địa phương. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn tổ chức khám và tư vấn thường xuyên cho 100% phụ nữ có thai tại trạm. Phụ nữ có thai được quản lý sớm, khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đủ liều, uống 1 viên sắt Folic mỗi ngày, uống bổ sung 1 liều Vitamin A trong vòng 1 tháng sau đẻ, được hướng dẫn ăn uống hợp lý để tăng 10-12kg trong thai kỳ để mỗi trẻ em sinh ra đều khỏe mạnh... Trong 9 tháng đầu năm 2015, các đơn vị trực tiếp làm công tác dinh dưỡng đã tổ chức 10 buổi nói chuyện chuyên đề dinh dưỡng cho trên 1.000 người; tổ chức 11 buổi tập huấn từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã cho 916 người; tổ chức 20 buổi hội thảo với sự tham gia của 1.250 người; tổ chức phát thanh tại 70% xã, phường, thị trấn; cung cấp các sản phẩm truyền thông gồm 1.500 băng rôn, khẩu hiệu, 3.000 tranh áp phích về chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, thông tin, giáo dục truyền thông dinh dưỡng, 150 cuốn “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020” cho các xã, phường, thị trấn nhằm truyền tải thông tin về PCSDD đến các bà mẹ. Qua công tác truyền thông về dinh dưỡng, phụ nữ nuôi con nhỏ đã tự giác đưa con đến điểm cân trẻ để kiểm tra sức khỏe định kỳ, kịp thời bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-6) và Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển (từ ngày 16 đến 23-10). Hầu hết phụ nữ đã biết cách nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc và cho trẻ ăn dặm với những thức ăn phù hợp, xây dựng mô hình dinh dưỡng tại nhà nhằm tạo nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Phụ nữ mang thai được nâng cao kiến thức về thực hành chăm sóc thai nghén, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để PCSDD cho bản thân và thai nhi… Đặc biệt, trong chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 năm 2015, trẻ em từ 6-36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh được uống Vitamin A đúng kỹ thuật, an toàn, không có tai biến xảy ra, đạt tỷ lệ 99%, tỷ lệ bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống Vitamin A đạt tỷ lệ 91%.
Chiến dịch truyền thông “Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển” năm 2015 do Bộ Y tế phát động diễn ra từ 16 đến 23-10-2015 với chủ đề “Thúc đẩy chính sách bảo trợ xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững góp phần giảm đói nghèo, nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam”. Các nội dung cần triển khai là: Tích cực tạo nguồn thực phẩm an toàn thông qua phát triển ô dinh dưỡng tại hộ gia đình. Phát triển VAC trên cơ sở bảo vệ môi trường để tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào. Lựa chọn, chế biến, sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có ở địa phương trong bữa ăn gia đình. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng và an toàn để PCSDD thấp còi và thừa cân béo phì. Sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến thức ăn. Tổ chức tốt bữa ăn dinh dưỡng hợp lý tại gia đình để PCSDD và thừa cân, béo phì. Chăm sóc dinh dưỡng sớm, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ để nâng cao tầm vóc. Đảm bảo ATVSTP từ lựa chọn, chế biến đến bảo quản và sử dụng. Thực hiện đầy đủ 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển, năm 2015, tại các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã tiến hành treo băng rôn, khẩu hiệu trên các trục đường chính; tổ chức các hội thi, sinh hoạt CLB; tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, các buổi nói chuyện tuyên truyền về dinh dưỡng hợp lý... Để đạt mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em một cách bền vững, ngành Y tế tích cực huy động các nguồn lực tham gia PCSDD; kiện toàn mạng lưới chuyên trách và CTV dinh dưỡng; đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành dinh dưỡng, kỹ năng tư vấn và kỹ năng vận động cho đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng, chú trọng việc truyền thông cung cấp kiến thức và thực hành dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý… Mạng lưới y tế cơ sở tăng cường các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý, hướng dẫn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ uống viên sắt để phòng, chống thiếu máu, nuôi con bằng sữa mẹ, theo dõi tăng trưởng của trẻ, cho trẻ uống Vitamin A…
Bài và ảnh:
Minh Thuận