Tín hiệu vui cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

07:09, 17/09/2015
Tại Thông tư số 15/2015/TT-BYT chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8-2015 quy định: Người nhiễm HIV có BHYT khi khám, chữa bệnh sẽ được chi trả thuốc và các dịch vụ liên quan. Các dịch vụ do BHYT chi trả cho người nhiễm HIV bao gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ; chi trả xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; chi trả kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chi trả khám bệnh; xét nghiệm HIV; thuốc ARV và các dịch vụ khám, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ bụng mẹ nhiễm HIV… Đây là tín hiệu vui cho những người nhiễm HIV bởi hiện tại 100% thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là do 2 dự án: Dự án VAAC - US.CDC và Dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ, còn kinh phí xét nghiệm và tiền thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội thì bệnh nhân phải bỏ tiền ra trả nếu như không có thẻ BHYT. Mỗi năm, trung bình mỗi một người điều trị nhiễm HIV (theo phác đồ bậc 1) tiêu tốn một khoản kinh phí thấp nhất là hơn 3 triệu đồng, chưa kể kinh phí để thực hiện các xét nghiệm định kỳ và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội. Thời gian tới, nguồn kinh phí tài trợ mua thuốc ARV sẽ bị cắt giảm mạnh; cụ thể, nguồn kinh phí từ Dự án Quỹ Toàn cầu đến hết năm 2015 là chấm dứt, nguồn kinh phí từ Dự án VAAC - US.CDC cũng sẽ kết thúc trong năm 2017...
Tư vấn cho người dân về phòng, chống các bệnh xã hội tại Trạm Y tế xã Hải Lộc (Hải Hậu).
Tư vấn cho người dân về phòng, chống các bệnh xã hội tại Trạm Y tế xã Hải Lộc (Hải Hậu).
Có mặt tại Phòng khám Ngoại trú (PKNT) đặt tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định vào một buổi sáng cuối tháng 8, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đến làm thủ tục khám, chữa bệnh và nhận thuốc ARV. Anh Vũ Đình T., một bệnh nhân đang có mặt tại PKNT cho biết, đã bị nhiễm HIV từ năm 2003. Năm 2007, anh được uống thuốc ARV. Nhờ có thuốc và được khám, xét nghiệm chăm sóc y tế miễn phí thường xuyên nên sức khỏe của anh khá ổn định. Khi biết được thông tin từ ngày 15-8-2015, các loại thuốc và dịch vụ y tế liên quan được Quỹ BHYT chi trả, anh và những người cùng cảnh ngộ rất vui. Bởi những người nhiễm bệnh như anh có chỗ dựa vững chắc và không còn phải thấp thỏm lo lắng về việc không có khả năng chi trả. Cùng tâm trạng, chị Bùi Minh H., người nhà của một bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị tại PKNT này chia sẻ, việc Quỹ BHYT chi trả thuốc cho người nhiễm HIV sẽ giúp các gia đình có người nhiễm HIV như chị giảm được gánh nặng. Bởi thuốc ARV và các xét nghiệm khác liên quan đều phải duy trì thường xuyên, lâu dài. Khi dự án chấm dứt thì các gia đình nghèo như chị sẽ không thể có tiền để duy trì thuốc. Quy định mới này giúp gia đình chị yên tâm hơn trong việc điều trị cho người nhà nhiễm HIV.
 
Hiện toàn tỉnh có 3.914 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống, trong đó có 1.232 bệnh nhân đang được điều trị miễn phí thuốc ARV. Theo bác sĩ phụ trách PKNT đặt tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định, trung bình mỗi tháng, một người nhiễm HIV nếu được điều trị phác đồ bậc 1, số tiền chi trả cho thuốc khoảng 400-500 nghìn đồng, phác đồ bậc 2 sẽ gấp 7-8 lần phác đồ bậc 1. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 3-2016, các dự án tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, và đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT. Nếu không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ bỏ điều trị vì không có khả năng chi trả. Bởi phần lớn người nhiễm HIV đang điều trị tại PKNT là những đối tượng nghèo và cận nghèo, công việc lại không ổn định, do đó nếu không có tiền điều trị và bệnh nhân bỏ điều trị, vi-rút HIV không được khống chế không chỉ gây hại cho sức khỏe người bệnh mà nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ rất cao. Cũng theo bác sĩ này, trong quá trình khám, tư vấn, cán bộ điều trị cho người nhiễm HIV luôn khuyên bệnh nhân mua BHYT bởi khi mua BHYT, người bệnh sẽ hưởng lợi rất nhiều, thậm chí sẽ giảm được hàng chục triệu đồng tiền thuốc ARV, xét nghiệm và nằm viện điều trị mỗi năm. Đây là chỗ dựa bền vững nhất cho bệnh nhân nhiễm HIV khi các dự án kết thúc.
 
Các quy định trong Thông tư 15/2015 tạo cơ hội cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên số lượng bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT không cao, chỉ có khoảng 20%. Mặt khác, trên thực tế, bệnh nhân HIV/AIDS vẫn chịu sự kỳ thị từ xã hội rất lớn nên đa phần muốn bí mật thông tin cá nhân. Tuy nhiên, theo cơ quan y tế đang điều trị cho bệnh nhân HIV thì vấn đề bảo mật thông tin không đáng lo lắng, bởi ở tất cả các phòng khám HIV/AIDS mọi thông tin cá nhân của người bệnh đều được bảo mật. Vấn đề đặt ra là cần triển khai chiến dịch truyền thông, thúc đẩy người bệnh HIV mua thẻ BHYT. Ngoài ra, thực trạng chi trả BHYT đối với dịch vụ điều trị HIV/AIDS đang còn nhiều khó khăn, bất cập, nhất là trong công tác tổ chức cung cấp dịch vụ điều trị. Hiện nay hệ thống cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn thiếu hoặc lồng ghép với hệ thống y tế và chưa có tư cách pháp lý rõ ràng để đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm. Các cơ sở điều trị tại các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến tỉnh, thành phố không có chức năng khám, chữa bệnh, không đủ điều kiện ký kết hợp đồng; cơ sở điều trị tại các Trung tâm y tế một chức năng không ký hợp đồng với bảo hiểm do chỉ có chức năng dự phòng; cơ sở điều trị hai chức năng thì cần được tổ chức và sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện chi trả của bảo hiểm. Để tháo gỡ những vấn đề trên, từ năm 2016, các PKNT thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ được chuyển sang bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố để thuận lợi cho việc làm thủ tục chi trả theo BHYT...
 
Việc chi trả các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV thông qua BHYT là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm đảm bảo cho người nhiễm HIV/AIDS tránh được nghèo đói do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh khác. Bệnh nhân là người nhiễm HIV có thẻ BHYT, khi khám, chữa bệnh được BHYT chi trả cho các dịch vụ khám và điều trị như những bệnh nhân bình thường khác, đồng thời còn được chi trả cho các dịch vụ điều trị các bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên để tăng cường sự tham gia và sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV đòi hỏi một giải pháp đồng bộ bao gồm việc truyền thông để người nhiễm HIV hiểu được tầm quan trọng của BHYT, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT và chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Để làm được điều này cần có sự tham gia, vận động tích cực của cả cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com