Làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân

10:09, 23/09/2015
Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh, từ năm 2010 đến nay có một số bệnh truyền nhiễm gây dịch xảy ra rải rác trên địa bàn tỉnh gồm: cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu, liên cầu lợn… Trên thế giới cũng xuất hiện dịch cúm A/H7N9 (năm 2013), dịch Ebola (năm 2014), dịch bệnh do vi-rút MERS-CoV (năm 2015). Trong 8 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã ghi nhận 7 bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi, 44 ca nghi mắc tay - chân - miệng, 33 bệnh nhân nghi mắc SXH, 8 bệnh nhân mắc viêm não vi rút...
Xét nghiệm sinh hoá tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm sinh hoá tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Trước thực trạng trên, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm YTDP tỉnh xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh phù hợp với đặc thù dịch tễ của tỉnh; thường xuyên điều tra, giám sát, lấy mẫu các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng gây dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Để phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, Sở Y tế thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch tay - chân - miệng của ngành, lập kế hoạch hoạt động, chuẩn bị kinh phí, vật tư hóa chất đảm bảo sẵn sàng phòng, chống dịch. Ngành Y tế cũng tổ chức tập huấn công tác giám sát và phòng, chống bệnh tay - chân - miệng cho khối điều trị và khối dự phòng, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; tiến hành điều tra xác minh xử lý ổ dịch; phối hợp Sở GD và ĐT ra công văn về việc phòng, chống dịch tay - chân - miệng tại các cơ sở GD và ĐT; cung cấp bổ sung cơ số thuốc, hóa chất và trang thiết bị phòng, chống dịch cho các huyện, thành phố. Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ trên địa bàn để cách ly, xử trí kịp thời và báo cáo diễn biến hằng ngày về các cơ quan tuyến trên theo quy định. Đối với dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tại các huyện có nguy cơ cao, ngành đã tổ chức họp với BCĐ phòng, chống dịch của huyện, lập danh sách các đối tượng nguy cơ, các hộ gia đình có ổ dịch, người tham gia tiêu hủy gia cầm để theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, phun hóa chất diệt khuẩn (CloraminB 2%) tại các hộ gia đình có ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm 2 lần/1 tuần, tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân nghi mắc cúm trên người tại cộng đồng; phối hợp với địa phương trong công tác giám sát, xử lý và truyền thông về nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người. Đối với bệnh SXH, khi có dấu hiệu bệnh lưu hành, ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống SXH tuyến tỉnh, huyện, xã; giám sát bệnh nhân nghi SXH, đồng thời huy động hệ thống y tế dự phòng tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức hàng nghìn lượt giám sát véc-tơ truyền bệnh SXH tại các xã, phường trọng điểm. Cùng với tăng cường công tác tập huấn, giám sát, ngành Y tế đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch chủ động như tăng cường các hoạt động truyền thông và các chiến dịch phòng, chống SXH chủ động như: diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường sống, phun hóa chất diệt muỗi... Đối với các dịch bệnh đang lưu hành trên thế giới và trên toàn quốc, Trung tâm YTDP tỉnh chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh. Cung cấp kịp thời các thông tin đến cộng đồng để người dân không hoang mang; khi người dân có triệu chứng nghi ngờ đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án và các đội cơ động phòng, chống dịch, cơ số thuốc và vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch khi cần thiết. Với những nỗ lực của ngành Y tế và các ngành chức năng, các địa phương, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh diễn ra tương đối ổn định, không có diễn biến phức tạp. Các vụ dịch cúm A/H1N1, tay - chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu, sốt phát ban nghi sởi, SXH… đều được phát hiện sớm, điều tra và lấy mẫu xét nghiệm kịp thời, nhanh chóng khoanh vùng cách ly và xử lý đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
 
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nguyên nhân do tỉnh ta có tỷ lệ lớn người đi làm ăn xa. Hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, SXH, liên cầu lợn, cúm A/H1N1, cúm A/H5N1… Tại một số địa phương đang phát triển mô hình chăn nuôi lợn với quy mô lớn tại gia đình, là nguy cơ cao dẫn đến sự lây truyền các bệnh từ động vật sang người. Mặt khác thói quen của đa số người dân về VSATTP,  vệ sinh cá nhân chưa tốt…
 
Với mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% các vụ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời, khống chế không để dịch lớn xảy ra, thời gian tới ngành Y tế tập trung chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, tăng cường tập huấn về công tác giám sát và xét nghiệm; chỉ đạo các tuyến tổ chức huấn luyện nhân lực cho tuyến mình và thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch; tiến hành kiểm tra các ổ dịch cúm gia cầm cũ trên người và các ổ dịch mới xuất hiện hằng năm. Phối hợp với các cơ quan thú y các tuyến phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Xây dựng quỹ dự trữ phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc phòng, chống dịch cho từng tuyến, thực hiện nghiêm túc chế độ trực dịch, thống kê báo cáo và thông báo dịch bệnh. Làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh nhằm tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân các biện pháp vệ sinh phòng bệnh và tính chất nguy hiểm, đường lây truyền, các biểu hiện bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com