Những điều cần biết về bệnh lao

09:07, 10/07/2015

Bệnh lao do trực khuẩn lao Mycobacterium gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp. Khi người bị nhiễm lao ho, hắt hơi, nói chuyện, những người khác hít phải trực khuẩn lao có thể bị nhiễm lao. Trực khuẩn lao vào cơ thể thì cơ quan bị tổn thương nhiều nhất là phổi. Ngoài ra trực khuẩn lao cũng có thể gây bệnh cho các cơ quan khác nhưng ít gặp hơn như: lao màng phổi, lao hạch, lao màng bụng, lao thận, lao xương khớp,... Bệnh lao nguy hiểm nhưng có thể chữa khỏi và phòng ngừa được.

1. Triệu chứng của bệnh lao:

- Sốt nhẹ về chiều và tối; mệt mỏi, chán ăn, giảm sút cân; da xanh, thiếu máu.

* Người nghi mắc bệnh lao phổi có biểu hiện: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần; sốt nhẹ về chiều; gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; đau ngực, khó thở; ho ra máu.

* Người nghi mắc lao ngoài phổi:

- Lao kê: là thể lao rất nặng ở nhiều bộ phận trong cơ thể, dễ gây chết người nếu không được khám và chữa kịp thời.

- Lao màng não: đau đầu, nôn, táo bón, nặng thì hôn mê, co giật,…

- Lao màng phổi: đau ngực, khó thở, sốt,...

- Lao hạch: Xuất hiện các hạch to dính với nhau thành từng khối rõ trên da, ấn vào không đau.

- Lao xương khớp: đau tại vị trí bệnh.

- Lao ruột: đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài...

- Lao thận tiết niệu: đái buốt, đái rắt kéo dài...

- Lao khớp: đau khớp kéo dài, hạn chế vận động.

2. Điều trị bệnh lao

Hiện nay bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm, đúng và đủ. Khi phát hiện mắc lao, bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Điều quan trọng là bệnh nhân phải tuân thủ đúng theo lời dặn của bác sĩ: uống thuốc đủ liều; đều đặn; đủ thời gian quy định và không bỏ thuốc nhằm tránh hiện tượng kháng thuốc.

3. Phòng bệnh

Hiện nay, cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh lao là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Đối với bệnh nhân: Không được khạc nhổ bừa bãi, ho hay hắt hơi phải che miệng lại, khi bệnh đang phát triển cần phải ngủ riêng giường, dùng bát đũa, cốc chén riêng và phải luộc sôi sau khi dùng; áo quần, chăn màn hằng tuần phải được luộc sôi sau khi giặt.

Đối với người dân: Để phòng bệnh lao trước hết cần giữ vệ sinh môi trường sống, sinh hoạt và làm việc; sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân; giảm tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khi có các biểu hiện nghi bị nhiễm lao phải đi khám bệnh ngay./.
 

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com