Chiều qua (8-6), báo cáo tình hình dịch bệnh MERS-CoV tại hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng, chống dịch bệnh gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi-rút Cô-rô-na (MERS-CoV), PGS TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm MERS-CoV.
Theo ông Trần Đắc Phu, MERS-CoV là bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút Cô-rô-na mới lần đầu tiên được phát hiện tại A-rập Xê-út vào tháng 9-2012. Đường lây truyền từ động vật và người sang người. Những người có nguy cơ cao là những người già, có bệnh mãn tính. Hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối. |
Tại Việt Nam, dịch MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan qua: Công dân trở về từ vùng có dịch. Công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát/đi qua vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.
TS Phu cũng cho biết, Việt Nam đề ra kế hoạch 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống dịch MERS-CoV:
Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế.
Hậu cần:
- Rà soát PPEs, trang thiết bị, hóa chất, thuốc và vật tư phòng, chống dịch.
- Bổ sung sinh phẩm xét nghiệm.
- Sử dụng nguồn lực sẵn có.
- Dự trù, mua sắm cho các tình huống tiếp theo.
- Thực hiện chính sách phụ cấp phòng, chống dịch theo quy định.
Hợp tác quốc tế:
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan IHR để trao đổi thông tin.
- Phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC, FAO.
Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
Giám sát, dự phòng:
- Tăng cường giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện, cộng đồng như tình huống 1.
- Phát hiện sớm các trường hợp bệnh có liên quan đến ca bệnh xâm nhập.
- Xử lý triệt để ổ dịch, xử lý tử thi theo quy định.
- Áp dụng cách ly với các trường hợp bệnh nghi ngờ/xác định.
- Lập danh sách người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định.
- Người trực tiếp chăm sóc/điều trị; người sống/làm việc/nằm điều trị cùng phòng/khu vực điều trị, cùng gia đình với trường hợp xác định.
- Người ngồi cùng hàng hoặc trước sau một hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp xác định.
- Có tiếp xúc trực tiếp với trường hợp xác định trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Quản lý và theo dõi trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Tư vấn cho họ tự theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất .
Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng. Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.
Hậu cần:
- Tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
- Thực hiện chính sách cho các cán bộ làm công tác phòng, chống dịch.
- Yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất cung cấp các dịch vụ đảm bảo đủ trong trường hợp dịch bùng phát lan rộng.
- Trình Chính phủ cấp bổ sung máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.
Hợp tác quốc tế:
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đầu mối IHR để nắm bắt và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp với WHO để đánh giá nguy cơ, sự biến đổi của vi-rút.
- Phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ các nguồn lực, kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh./.
Theo chinhphu.vn