Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 1,7 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó tỷ lệ trẻ có nguy cơ bị khiếm thính bẩm sinh là 5o/oo, tương đương với khoảng 7.000 trẻ. Trẻ nghe kém nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ không giao tiếp được, chậm phát triển ngôn ngữ, trí tuệ và gặp khó khăn trong cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, trẻ sẽ trở thành tàn tật vĩnh viễn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân trẻ mà còn là gánh nặng cho mỗi gia đình và xã hội, giảm chất lượng dân số. Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ một số tỉnh, trong đó có tỉnh ta triển khai chương trình sàng lọc khiếm thính cho trẻ em.
Khám sàng lọc khiếm thính cho các cháu ở Trường Mầm non Giao Hương (Giao Thuỷ). |
Hiện tại, nước ta thuộc khu vực có tỷ lệ nghe kém cao nhất thế giới trong khi đó, việc chẩn đoán, can thiệp sớm còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực và nhận thức xã hội. Các giải pháp can thiệp nghe kém bao gồm sử dụng các thiết bị trợ thính và các phương pháp phục hồi ngôn ngữ. Tuy nhiên là một quốc gia đang phát triển với thu nhập đầu người thấp nên đối với đại đa số người bị nghe kém trong cả nước việc tiếp cận các thiết bị trợ thính (máy nghe, điện cực ốc tai) là rất khó khăn. Vì vậy, đến thời điểm này, các biện pháp phục hồi ngôn ngữ, đặc biệt cho trẻ em là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Đây là phương pháp dễ sử dụng, hiệu quả cao và có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều người bị nghe kém trong cộng đồng. Những năm gần đây, phương pháp phục hồi ngôn ngữ nghe - nói đã được phát triển rộng rãi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng I, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình sàng lọc khiếm thính triển khai ở tỉnh ta, năm 2014, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị với sự tham dự của đại diện Sở GD và ĐT, đại diện 27 trường mầm non trên địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên để nghe những thông tin cơ bản về các nội dung: điếc và nguyên nhân gây điếc ở trẻ em, sàng lọc khiếm thính, các giải pháp can thiệp nghe kém. Tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa của Trung tâm Thính học và trị liệu ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) còn phổ biến cụ thể những dấu hiệu nhận biết nghe kém ở trẻ để giáo viên các trường mầm non có kiến thức về vấn đề này, từ đó nếu phát hiện các cháu nghi ngờ nghe kém sẽ thông báo cho phụ huynh sớm đưa các cháu đi điều trị. Từ ngày 31-3 đến ngày 20-5-2014, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh triển khai khám sàng lọc khiếm thính cho hơn 10 nghìn trẻ em tại 27 trường mầm non trên địa bàn Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên. Đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa các trang thiết bị y tế tới khám trực tiếp cho trẻ em dưới 5 tuổi tại từng trường nhằm phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời cho các cháu mắc bệnh. Đối với các cháu nghi ngờ nghe kém, các bác sĩ gửi giấy mời về cho gia đình lên khám miễn phí tại Trung tâm Thính học và trị liệu ngôn ngữ trẻ em. Các cháu được khám tai, mũi, họng, đo thính lực, nhĩ lượng… từ đó có cách điều trị thích hợp. Sau đợt khám, đoàn đã phát hiện và tư vấn điều trị kịp thời cho 79/4.291 trẻ tại Thành phố Nam Định và 98/5.757 trẻ tại huyện Ý Yên. Năm 2015, chương trình sàng lọc khiếm thính tiếp tục được triển khai tại 24 trường mầm non của 2 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với Trung tâm Thính học và trị liệu ngôn ngữ trẻ em đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình khám sàng lọc khiếm thính cho các cán bộ y tế, dân số và giáo dục mầm non của 2 địa phương, cung cấp những nội dung thiết thực, giúp đội ngũ cán bộ, chuyên viên và giáo viên có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia có hiệu quả vào chương trình. Trong thời gian từ 14-4 đến ngày 26-5-2015, hơn 10 nghìn trẻ em đã được khám sàng lọc khiếm thính.
Cùng với đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai ở tỉnh ta, chương trình sàng lọc khiếm thính còn góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ em, hạn chế tỷ lệ trẻ em bị khuyết tật, nâng cao chất lượng dân số./.
Bài và ảnh: Lam Hồng