Nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế dự phòng trong phòng, chống dịch bệnh

08:05, 25/05/2015

Hiện nay, trên thế giới cũng như trong nước, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao mới phát sinh như cúm A(H7N9), MERS-CoV, cúm A(H5N1)…, có nhiều nguy cơ xâm nhập và bùng phát ở nước ta. Ngoài ra, sự biến động về dân cư, ô nhiễm môi trường và sự biến chủng của vi sinh vật,  thói quen vệ sinh cá nhân và VSATTP của một bộ phận người dân chưa tốt là điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh xuất hiện trở lại; đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa. Sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của các Trung tâm Y tế tuyến huyện dẫn đến thiếu nhân lực, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ… gây nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo chuyên môn; các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người có chiều hướng gia tăng… Hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi/Rubella, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, cúm A(H1N1), cúm A(H5N1)… Đặc biệt, bệnh sốt xuất huyết có chỉ số côn trùng truyền bệnh luôn ở mức cao, nhất là từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm.

Vận hành máy quang phổ hấp thụ nguyên tử tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Vận hành máy quang phổ hấp thụ nguyên tử tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Nhằm kiểm soát, giám sát và quản lý tốt các ổ dịch và các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, Sở Y tế đã tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã để chủ động kịp thời nắm bắt thông tin về dịch bệnh, để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương. Phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, thống kê báo cáo, sử dụng hệ thống báo cáo điện tử... Ngoài ra, Sở Y tế cũng hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện Luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; tăng cường giám sát bệnh, chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời. Thực hiện xử lý trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng và sớm khống chế được bệnh. Hiện tại, hệ thống giám sát dịch bệnh của tỉnh đã được phủ khắp từ tỉnh đến các thôn, xóm, khu dân cư. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hệ thống giám sát, xét nghiệm được quan tâm đầu tư. Phòng xét nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025-2005, giúp việc xét nghiệm phát hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh trên người. Trung tâm cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng xét nghiệm y tế dự phòng, mở rộng thêm 5 chỉ tiêu xét nghiệm được công nhận đạt ISO 17025, nâng tổng số chỉ tiêu xét nghiệm đạt ISO 17025 lên 17 chỉ tiêu. Các trang thiết bị tại Trung tâm được đầu tư như máy quang phổ hấp thụ nguyên tử, máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học…, tạo thuận lợi trong việc triển khai các hoạt động y tế dự phòng. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác xét nghiệm, phòng, chống dịch bệnh được đào tạo bài bản, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được coi trọng, đảm bảo các loại dịch bệnh đều có sự giám sát chặt chẽ, chủ động ngay từ đầu chu kỳ dịch để phát hiện dịch sớm, chống dịch kịp thời, hạn chế tử vong.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã xây dựng và phát triển các Trung tâm y tế huyện, thành phố đủ năng lực giám sát, phát hiện dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quản lý điều hành trạm y tế xã, từng bước cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ lệ dân dùng nước sạch và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; triển khai thực hiện các hoạt động chuyên môn kỹ thuật về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống bệnh xã hội, VSATTP… Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, Sở Y tế hướng dẫn và giám sát chuyên môn, kỹ thuật đối với 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở y tế trên địa bàn; tham gia đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực phụ trách cho cán bộ y tế cấp xã, nhân viên y tế thôn; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, Trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức vận động nhân dân diệt bọ gậy, phun diệt muỗi tại cộng đồng, thu gom phế thải, giữ gìn vệ sinh môi trường để phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp cùng các bệnh viện đa khoa tuyến huyện tổ chức các lớp cấp cứu, điều trị và phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn; tổ chức tiếp nhận vật tư, hóa chất từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cấp phát về các trạm y tế xã và các trường học trên địa bàn để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Với các giải pháp đồng bộ, ngành Y tế với hệ thống giám sát, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang được hoàn chỉnh, đã cảnh báo sớm và khống chế dịch bệnh, góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân tuyến cơ sở./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com