Cần linh hoạt khi triển khai tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình

04:05, 09/05/2015

Xã Nam Vân (TP Nam Định) có 2.104 hộ dân với 6.985 khẩu. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách BHYT nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT của xã tăng qua các năm; năm 2014 đạt 71,3%. Trong 3 tháng đầu năm 2015, khi triển khai Luật BHYT sửa đổi, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đã đạt gần 50%. Mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT của xã là khá cao, song trên thực tế, tỷ lệ người thuộc hộ gia đình tham gia BHYT vẫn thấp, do quy định người tham gia BHYT phải chứng minh tình trạng tham gia BHYT của các thành viên trong gia đình đang gây khó khăn cho không ít người dân. Nói về những vướng mắc khi thực hiện BHYT hộ gia đình tại địa phương, đồng chí Vũ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi triển khai Luật BHYT sửa đổi, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền những điểm mới của Luật đến người dân, nhất là quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình trên hệ thống đài truyền thanh và thông qua cuộc họp của các ban, ngành, đoàn thể. Nhưng nếu trước đây, ai có nhu cầu đều được mua BHYT tự nguyện thì nay theo quy định phải xin xác nhận tình trạng tham gia của các thành viên trong gia đình tại UBND xã, điều này gây khó khăn trong trường hợp người có tên trong hộ khẩu gia đình đi học tập, làm ăn, sinh sống ở nơi khác hoặc đã ra nước ngoài song lại chưa cắt hộ khẩu ở địa phương”. Đây cũng là khó khăn, vướng mắc ở nhiều địa phương trong tỉnh khi triển khai việc tham gia BHYT hộ gia đình theo Luật BHYT sửa đổi.

BHYT là hình thức lúc khỏe mua bảo hiểm để tích lũy cho lúc ốm. Nhưng từ trước đến nay, do đời sống của đa số người dân còn khó khăn, một bộ phận người dân chưa hiểu hết ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro với người khác nên đã xảy ra tình trạng đến lúc ốm mới đi mua hoặc trong gia đình chỉ chọn mua cho những người bệnh nặng, phải thường xuyên đi bệnh viện. Việc luật hóa tham gia BHYT theo hộ gia đình theo Luật BHYT sửa đổi để khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” nêu trên. Đây là chính sách phù hợp với thực tế, hướng đến sự công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Luật BHYT sửa đổi cũng có cơ chế khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia BHYT theo hộ gia đình với những ưu đãi hơn so với quy định cũ. Mức đóng BHYT sẽ được giảm dần với từng thành viên trong hộ gia đình, cụ thể là: Người thứ nhất trong hộ gia đình khi mua BHYT đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, 3, 4 lần lượt có mức đóng là 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Kể từ người thứ 5 trong hộ gia đình trở đi, mức đóng chỉ còn bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Khi triển khai thu theo hộ gia đình cũng sẽ loại trừ những người đã tham gia BHYT bắt buộc và những người đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia như hưu trí, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi… Tuy nhiên, qua 3 tháng triển khai quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình (có hiệu lực từ 1-1-2015), do thông tin đến với người dân chưa được đầy đủ, một số địa phương lúng túng trong triển khai quy định mới nên việc tham gia BHYT tự nguyện phức tạp, nhiều thủ tục hơn vì phải chứng minh sự tham gia BHYT của các thành viên trong gia đình. Tại các địa phương, mặc dù theo quy định, cấp xã có trách nhiệm phải lập danh sách người tham gia BHYT trên địa bàn, nhưng trên thực tế vẫn khó thực hiện, do hầu hết cán bộ BHXH cấp xã kiêm nhiệm nhiều công việc, lại chưa được tập huấn, hướng dẫn cụ thể về BHYT hộ gia đình nên khó khăn khi giải thích, tư vấn cho người dân.

Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai, BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn, đồng thời quyết định lùi thời gian thực hiện quy định về BHYT theo hộ gia đình đến ngày 1-1-2016. Theo đó, những người đã tham gia BHYT từ trước 1-1-2015 và có nhu cầu tham gia tiếp vẫn có thể tham gia theo hình thức cá nhân. Với trường hợp các hộ gia đình đã tham gia, có người tham gia tự đóng 100% mức đóng, nếu sau ngày 1-1-2015 tiếp tục tham gia thì thực hiện cho cá nhân người đó hoặc theo hộ gia đình; những người còn lại chưa tham gia thì khi mua BHYT bắt buộc phải thực hiện theo hộ gia đình. Để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa to lớn của chính sách BHYT hộ gia đình, từ đó tích cực tham gia theo đúng lộ trình đề ra, ngành BHXH cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Luật BHYT sửa đổi, đặc biệt là quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình. Các xã, phường, thị trấn cần đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, thông qua các buổi họp với trưởng xóm, tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Bên cạnh việc thực hiện tốt thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Tài chính yêu cầu chậm nhất trước 30-10-2015, UBND cấp xã phải lập danh sách tham gia BHYT trên địa bàn, khi người dân đến UBND xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú đăng ký và đóng tiền mua BHYT, cán bộ chuyên trách cần tư vấn và hướng dẫn kỹ hơn về lợi ích tham gia BHYT theo hộ gia đình. UBND xã, phường, thị trấn nơi quản lý hộ khẩu của người dân trên địa bàn có trách nhiệm xác nhận xem hộ gia đình có bao nhiêu người, thuộc đối tượng BHYT nào, từ đó lập danh sách hộ gia đình tham gia gửi về cơ quan BHXH cấp huyện, thành phố để cấp thẻ BHYT kịp thời cho người dân./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com