Tại một quầy thuốc tư nhân trên đường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định), một phụ nữ vừa đón con ở trường học về kể triệu chứng “sốt và húng hắng ho” của con với người bán hàng và tự “chỉ định” cho người bán: “Chị cho cháu 3 liều thuốc”. Điều kỳ lạ là người bán thuốc không đòi hỏi đơn thuốc của con chị mà đáp ứng yêu cầu bằng việc kê cho 3 liều thuốc uống trong 1,5 ngày. Còn chị Nguyễn Thị Linh xã Nam Vân (TP Nam Định), có con bị sốt cao nhưng không biết nguyên nhân tại sao. Nghe người đồng nghiệp “mách nước” có một nhà thuốc bán uy tín, chị vội ra hiệu thuốc mua về cho con uống. Sau đó, mỗi lần con bị ốm, chị lại đến hiệu thuốc này để mua thuốc cho con… Tại một quầy thuốc tư nhân gần Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh, người dân cũng vô tư mua thuốc về chữa ho, cảm, sốt, nhức đầu, sổ mũi cho người nhà. Khi được hỏi sao không đi khám tại các cơ sở y tế, nhiều người trả lời vì thủ tục rườm rà, mất thời gian mà lại tốn kém. Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Tình trạng nhiều người dân cứ tự ý điều trị bệnh cho mình, cho con tại nhà khá phổ biến. Chỉ khi thấy bệnh tình của con nặng lên, họ mới vội vàng đưa con đến bệnh viện…
Qua tìm hiểu tại một số cửa hàng thuốc tư nhân trên địa bàn Thành phố Nam Định, có khoảng 50% số người đến mua thuốc theo đơn của bác sĩ, còn phần lớn người bệnh đến kể triệu chứng bệnh của mình rồi mua thuốc theo tư vấn của người bán hàng. Tình trạng người dân tự ý mua thuốc không chỉ tại một số hiệu thuốc lớn trên địa bàn thành phố, nơi tập trung nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mà còn diễn ra phổ biến tại các vùng nông thôn. Chỉ khi thấy bệnh tình không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn người bệnh mới tìm đến bệnh viện. Trên thực tế, phần lớn người bệnh tìm mua thuốc để chữa trị những bệnh thông thường như cảm cúm nhẹ do thời tiết, tiêu chảy nhưng cũng có không ít người bị các bệnh như viêm dạ dày, tiểu đường, xương khớp… mà việc dùng thuốc của họ phải có sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Trần Phú (TP Nam Định). |
Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh, bao gồm chi nhánh của các Cty dược phẩm Trung ương, doanh nghiệp dược của tỉnh, các quầy thuốc bán lẻ, nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân… phục vụ thuận lợi nhu cầu mua và sử dụng thuốc điều trị bệnh của người dân. Bên cạnh những thuận lợi, việc “bung ra” nhiều cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh cũng kéo theo những hệ lụy. Đó là việc mua bán thuốc quá đơn giản nên người dân không cần đến việc khám và chẩn đoán của bác sĩ mà “tự lắng nghe cơ thể mình” rồi tự ý “kê đơn”, mua thuốc cho mình, trong khi người mua, thậm chí cả người bán cũng không có nhiều kiến thức về lĩnh vực dược phẩm. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Bởi nếu tự điều trị không qua chẩn đoán và có đơn của bác sĩ, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường do người bệnh không hiểu biết về thuốc, tác dụng phụ của thuốc và những tương tác thuốc. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó, dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể đến việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế. Thậm chí việc mua và dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ mà không có đơn bác sĩ và dùng không đủ liều có thể gây những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng kháng kháng sinh như hiện nay. Khi đã bị kháng thuốc, việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Hiện nay có hai loại thuốc đang được bán tại các nhà thuốc là thuốc bán phải có đơn thuốc của bác sĩ (gọi là thuốc kê đơn) và thuốc bán không cần đơn thuốc (gọi là thuốc không kê đơn). Để phân định rõ thuốc bán phải có đơn và thuốc bán không cần kê đơn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 23/2014 về danh mục thuốc không kê đơn, có hiệu lực thi hành từ 15-8-2014. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế nhiều loại thuốc nằm trong danh mục buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán công khai, dễ dàng. Khách hàng tới hiệu thuốc chỉ cần nói tên thuốc cần mua, hay kể bệnh tình với người bán thuốc thì ngay lập tức, yêu cầu sẽ được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chủ quan, ngại đi khám bệnh và một phần do sự thiếu hiểu biết về các nguy cơ mà thuốc có thể gây ra, nên rất nhiều người mỗi khi ốm đau, thay vì đi khám bệnh, thường tự mua thuốc điều trị theo hướng dẫn của người bán thuốc, theo quảng cáo hoặc kinh nghiệm của bản thân và những người xung quanh. Một số người còn lấy đơn thuốc của người khác để điều trị cho mình khi thấy mắc bệnh giống mình. Việc lạm dụng thuốc, mua thuốc không cần đơn, không theo chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến cho không ít người lâm vào tình cảnh nguy hiểm đến tính mạng.
Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức và sự hiểu biết về sử dụng thuốc cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà thuốc, xử lý nghiêm các vi phạm đang khá phổ biến như tự ý thay đổi thuốc trong đơn bằng những loại thuốc tương tự trong khi người bán thuốc không có các kiến thức về dược, bán thuốc không rõ nguồn gốc... Cải cách thủ tục hành chính tại hệ thống y tế các tuyến để cải thiện chất lượng phục vụ của các dịch vụ y tế, giúp người dân giảm bớt tâm lý ngại đến các cơ sở khám, chữa bệnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận