Tai biến mạch máu não là một trong bốn nguyên nhân chính gây tử vong cao ở người, nhất là ở nhóm người cao tuổi. Tai biến mạch máu não ở người cao tuổi là chứng bệnh quan trọng nhất của thần kinh lão khoa (chiếm tỷ lệ 50-60% trong số các chứng bệnh thần kinh ở người cao tuổi).
Ở cộng đồng, người cao tuổi cần khám sức khoẻ định kỳ, trước hết là số đo huyết áp, các bệnh tim mạch, xơ cứng mạch... Với những người trong giai đoạn chuyển tiếp “49 chưa qua, 53 đã tới” và người cao tuổi cần thận trọng hơn nữa khi xuất hiện những dấu hiệu sau:
- Nhức đầu: Đây tưởng như là một hiện tượng rất bình thường, ngay cả giới trẻ cũng thường xuyên mắc chứng này. Tuy nhiên với người cao tuổi khi nhức đầu thường xuyên ở đỉnh, ở hai bên thái dương, có cảm giác cứng gáy (mỏi gáy, đau gáy...) kèm theo chóng mặt thì cần chú ý hơn.
- Chóng mặt: Ở đây chóng mặt quay cuồng, không rõ chiều quay. Nhiều trường hợp, người bệnh chóng mặt phải nhắm mắt, có lúc thấy buồn nôn.
- “Ruồi bay”: Đây là cảm giác thường thấy ở tuổi già. Trước mắt xuất hiện những vật nhỏ đen như con ruồi bay lơ lửng tới lui... cần chú ý tới hiện tượng này vì đó là dấu hiệu tăng huyết áp ở trong đáy mắt, cần phải được khám, soi đáy mắt sớm...
- Tăng cân nhanh: Có thể gặp trường hợp tăng cân mạnh, béo phì nhanh chóng... nhất là ở những người uống quá nhiều bia, rượu, bụng to, béo lên trông thấy.
Ngoài ra còn có hiện tượng lượng mỡ tăng trong máu, xơ cứng mạch và tăng huyết áp...
Ở những người đã bị tai biến mạch máu não 1-2 lần thì cần phát hiện kịp thời, khi đó cần đi khám chuyên khoa thần kinh để có phương pháp điều trị kịp thời, đề phòng khả năng tái phát, điều trị ngoại trú... Chú ý tới các hiện tượng tê nửa người, co giật hay rối loạn tâm lý (xúc cảm, nóng giận... hiện tượng nói ngọng, rối loạn phát âm). Tuân thủ việc theo dõi điều trị ngoại trú.
Phòng bệnh ở cộng đồng:
- Chú ý tới tình trạng sức khoẻ bằng cách thường xuyên đo huyết áp, soi đáy mắt, tìm lượng đường, mỡ trong máu... ở những người trong lứa tuổi “chuyển tiếp” cần chú ý tình trạng tim mạch - huyết áp - tiết niệu. Người bệnh nên uống hoa hoè, cam thảo, nhân trần thay uống trà và nên uống nhiều nước. Đối với người bệnh đã bị tai biến mạch máu não thì uống các thuốc điều hoà vận mạch theo đơn và hướng dẫn của bác sĩ.
- Người bệnh thường xuyên tập luyện: Xoa bóp chân tay, tập khí công thư giãn, tĩnh tâm, điều hoà lao động trí óc và lao động chân tay kết hợp nghỉ ngơi. Chú ý giữ gìn sức khỏe trong đêm cũng như mỗi khi ra ngoài trong những ngày tiết trời thay đổi như mùa đông - xuân.
- Duy trì chế độ ăn điều độ, hợp lý, không ăn mỡ động vật (thay bằng dầu thực vật), không ăn quá mặn...
- Tổ chức động viên người cao tuổi bị tăng huyết áp hay trải qua 1-2 cơn tai biến mạch máu não tham gia các câu lạc bộ như: thể dục ngoài trời, cờ vua, âm nhạc, thơ ca./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định