Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn như các phế quản, tiểu phế quản bị hẹp lại do viêm nhiễm mạn tính dày lên, xơ hoá, tăng tiết dịch nhầy, cơ bao quanh co thắt lại; các phế nang bị phá hủy, gia tăng tình trạng ứ khí trong phổi và giảm khả năng trao đổi khí của phổi và như vậy gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn, làm bệnh nhân khó thở.
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao: Nam giới trên 40 tuổi, những người hút thuốc lá, thuốc lào. Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc do người khác hút) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, những người thường xuyên tiếp xúc với bụi, hoá chất nghề nghiệp, khói bếp, không khí ô nhiễm, người hay bị viêm nhiễm đường hô hấp do vi khuẩn, vi-rút, những người có cơ địa dị ứng, người có hoàn cảnh sống nghèo nàn, lạc hậu.
Biểu hiện của bệnh COPD: Bệnh nhân thường có các dấu hiệu điển hình là: Ho dai dẳng và nặng lên vào những đợt cấp tính, khạc đờm nhầy trắng kéo dài, thường vào buổi sáng, khó thở khi gắng sức, triệu chứng nặng dần theo thời gian. Thở khò khè có kèm theo tiếng rít trong khi thở, đặc biệt là khi gắng sức. Các triệu chứng trên thường nặng lên khi bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc khi thay đổi thời tiết, làm cho người bệnh giảm khả năng hoạt động, thường xuyên lo lắng, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, người bệnh khó thở ngay cả khi không gắng sức; dần dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mãn và tử vong.
Để chẩn đoán chính xác một người có mắc bệnh COPD hay không, phải đo chức năng phổi bằng máy đo hô hấp kế.
Khi mắc bệnh COPD, người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
1. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: không tiếp xúc với thuốc lá, thuốc lào, khói bếp,... Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh, tránh gắng sức quá mức.
2. Sử dụng thuốc đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Kiểm tra chức năng hô hấp định kỳ để có hướng dự phòng và điều trị tốt hơn.
3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: Ăn đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường thể lực, bổ sung nhiều thực phẩm giàu ka-li như chuối, cam...
4. Chế độ tập luyện: Tập thở mỗi ngày 2 lần, lúc đầu mỗi lần khoảng 10 phút, sau đó tăng dần để cải thiện chức năng hô hấp.
5. Người nhà giúp bệnh nhân bằng cách vỗ lưng cho bệnh nhân ngày 2 lần để bệnh nhân dễ khạc đờm và giảm bớt sự tắc nghẽn./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định