Lần đầu tiên, một bệnh nhân bị liệt do chấn thương tuỷ sống có thể đi lại, sau khi được cấy ghép tế bào thần kinh khứu giác ở mũi vào cột tuỷ sống.
Darek Fidyka, 38 tuổi người Bungary bị liệt từ ngực trở xuống, do chấn thương tuỷ sống vào năm 2010. Sau 19 tháng điều trị bằng phương pháp cấy ghép tế bào thần kinh khứu giác ở mũi của chính mình, anh dần hồi phục, có thể tự đi lại với bộ khung ở chân và có chút cảm giác ở đôi chân.
Tình trạng bệnh tình của Fidyka tiếp tục cải thiện hơn dự đoán. Fidyka cũng là người đầu tiên thực hiện phương pháp điều trị mới này. Kỹ thuật cấy ghép tế bào khứu giác vào cột tuỷ sống của bệnh nhân đã tạo nên bước đột phá lớn trong y khoa, xây dựng “cây cầu thần kinh” giữa hai cột sống tổn thương.
Bệnh nhân Darek Fidyka đang thực hiện bước đi tại trung tâm nghiên cứu ở Wroclaw - Ảnh: BBC News |
"Chúng tôi tin rằng kỹ thuật này sẽ tạo ra sự đột phá, tiếp tục phát triển, mang lại sự hy vọng cho những bệnh nhân bị liệt do tổn thương tuỷ sống". - Geoffrey Raisman, giáo sư tại Viện thần kinh học thuộc Đại học College London (UCL) cũng là người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Raisman, một chuyên gia chấn thương cột sống tại UCL, cùng bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện Đại học Wroclaw, Ba Lan đã loại bỏ một trong những hành khứu giác, có chức năng cảm nhận mùi, sau đó cấy tế bào khứu giác (OECs) và nguyên bào sợi thần kinh khứu giác (ONFs) của bệnh nhân vào khu vực tổn thương.
OECs là một loại tế bào được tìm thấy ở hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên. Cùng với ONFs, chúng làm cho các bó sợi thần kinh chạy từ niêm mạc mũi đến các hành khứu giác.
“Khi các sợi thần kinh “vận chuyển” mùi bị hỏng, chúng được thay thế bởi các sợi thần kinh mới, nhập trở lại thành các hành khứu giác. OECs tái mở bề mặt các hành khứu giác cho các sợi thần kinh mới nhập vào đó". - các nhà nghiên cứu giải thích thêm.
Raisman và nhóm của ông hiện lên kế hoạch dùng kỹ thuật này để điều trị cho 3-5 bệnh nhân trong thời gian tới.
Theo khoahoc.com.vn