Toàn tỉnh hiện có 264 trường mầm non với tổng số 114.736 học sinh, 291 trường tiểu học với tổng số 137.673 học sinh, 246 trường THCS với tổng số 103.053 học sinh, 57 trường THPT với tổng số 68.686 học sinh. Công tác y tế trường học của tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm nên các hoạt động đã đi vào nền nếp, trở thành hoạt động thường xuyên của hai ngành Y tế, GD và ĐT và các ngành liên quan, diện bao phủ công tác y tế trường học rộng trên quy mô toàn tỉnh.
|
Hướng dẫn các cháu rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn tại Trường Mầm non Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Thực hiện các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ GD và ĐT về công tác y tế trường học, các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã từng bước bố trí cán bộ định biên thực hiện công tác y tế nhà trường tạo cho chương trình đạt hiệu quả cao. Từ năm 2012 đến nay các ngành Y tế và GD và ĐT tỉnh đã tổ chức được 8 lớp tập huấn với tổng số 400 học viên là cán bộ làm công tác y tế trường học của Trung tâm Y tế 8 huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, Phòng GD và ĐT và cán bộ y tế các trường học. Nội dung tập huấn kỹ thuật giám sát về các yếu tố vệ sinh môi trường trường học, khám phân loại và quản lý sức khỏe học sinh; phòng chống bệnh tật, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe học sinh. Dự kiến trong tháng 10-2014 sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn với 120 học viên tại 2 huyện còn lại là Vụ Bản và Nam Trực. Hằng năm Ban Chỉ đạo chương trình y tế trường học của tỉnh đã tổ chức in và cung cấp áp phích, tờ rơi về phòng chống bệnh, tật học đường với số lượng 2.000 tờ, đồng thời xây dựng mô hình truyền thông phòng chống bệnh tật học đường nâng cao sức khỏe học sinh tại một số trường học. Tham gia mô hình, các trường được hỗ trợ các chương trình khám sức khỏe; khám và điều trị nha học đường, kiểm tra yếu tố vệ sinh trong trường học, tập huấn công tác sơ cấp cứu và kiểm soát các bệnh học đường, tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng các bệnh về mắt, tay, miệng, cong vẹo cột sống, làm thay đổi hành vi của học sinh trong tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Hiện tại đã xây dựng mô hình tại 6 trường ở 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy; mỗi trường học được xây dựng mô hình 2 phòng học ánh sáng nhân tạo theo tiêu chuẩn và kỹ thuật về chiếu sáng nhân tạo theo quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế. Ngoài ra các trường học tại 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy còn tổ chức Hội thi tìm hiểu về kiến thức phòng chống bệnh tật học đường dưới hình thức viết báo tường. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về y tế học đường, từ năm 2012 đến nay đã tẩy giun cho 22 trường điểm với tổng số 18.903/18.903 học sinh được tẩy giun, đạt tỷ lệ 100%. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học được triển khai theo xu hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe; hỗ trợ tổ chức hoạt động phòng chống bệnh giun sán trong trường học; thanh, kiểm tra hoạt động y tế trường học. Các hoạt động của công tác y tế trường học đã góp phần tăng cường kiến thức phòng chống bệnh, tật học đường, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, vẫn còn một số trường học chưa nhận thức đầy đủ về công tác y tế học đường. Nhiều cán bộ quản lý của nhà trường không hiểu chức năng, nhiệm vụ của cán bộ y tế trong trường học là làm những gì; nhiều trường học cán bộ y tế trường học làm kiêm nhiệm vụ của hành chính, văn thư… Nhiều trường chưa có đủ cán bộ chuyên trách về y tế trường học, do đó các hoạt động quản lý, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh chưa được thực hiện. Cán bộ làm công tác y tế trường học tại các trường còn ít kinh nghiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế. Nhiều trường chưa tổ chức khám sức khỏe cho học sinh. Ở các trường có khám sức khỏe cho học sinh nhưng việc theo dõi, quản lý sức khỏe học sinh chưa được thực hiện. Theo số liệu của Trung tâm Y tế 10 huyện, thành phố, năm học 2013-2014, khối mầm non số trường khám sức khỏe định kỳ cho học sinh là 133/264 trường; khối tiểu học 261/291 trường; khối THCS 233/246 trường; khối THPT 19/57 trường. Thực trạng cơ sở trường, lớp nhiều nơi chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học, nhất là các điều kiện về chiếu sáng phòng học chưa đảm bảo, kích thước bàn ghế chưa phù hợp với tầm vóc của học sinh, ảnh hưởng lớn tới tật khúc xạ và cong vẹo cột sống của học sinh. Theo số liệu điều tra 120 trường học mới đây của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, số trường có kích thước bàn ghế đạt tiêu chuẩn chỉ đạt 30%; chiếu sáng phòng học đạt tiêu chuẩn đạt tỷ lệ 51,67%; số trường học được kiểm tra có địa điểm xây dựng trường đạt tiêu chuẩn đạt 88,33%; số phòng học đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng đạt 87,5%; tiếng ồn trong trường học đạt tiêu chuẩn chiếm 95%. Ngoài ra, trang thiết bị kiểm tra điều kiện vệ sinh trường học ở cả tuyến tỉnh và tuyến huyện, xã như máy đo ánh sáng, máy đo vi khí hậu, máy đo tiếng ồn… còn thiếu thốn. Hầu hết phòng y tế học đường ở các trường chưa có đầy đủ các trang thiết bị, tủ thuốc chưa có đầy đủ các loại thuốc theo quy định; hệ thống sổ sách theo dõi công tác y tế học đường không có hoặc còn thiếu. Nguyên nhân của những tồn tại trên do sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là ở tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế. Kinh phí đầu tư cho công tác này từ nguồn ngân sách chưa được quan tâm đúng mức, nguồn kinh phí hoạt động duy nhất chỉ dựa vào quỹ khám, chữa bệnh BHYT được BHXH trích lại, nhưng do không được hướng dẫn nên các nhà trường không sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí này. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế trường học còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, chưa có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích cán bộ y tế trường học yên tâm công tác. Để làm tốt hơn nữa công tác y tế trường học, hằng năm cần củng cố Ban chỉ đạo y tế trường học ở cả 3 cấp và Ban chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học, đầu năm có tổng kết để đánh giá kết quả hoạt động y tế trường học; rút kinh nghiệm để triển khai chương trình y tế trường học trong những năm học tiếp theo. Ngành GD và ĐT cần chủ động phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác khám sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho học sinh; có kế hoạch tập huấn hằng năm về y tế trường học cho tất cả các cán bộ y tế trường học, kể cả cán bộ kiêm nhiệm nhằm nâng cao năng lực triển khai thực hiện; đồng thời tham mưu với cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên hằng năm để triển khai hoạt động y tế trường học nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại địa phương./.
Bài và ảnh:
Minh Thuận