Điều trị AIDS cho trẻ em cần sự chung tay của cộng đồng

08:10, 27/10/2014

Tính đến hết tháng 9-2014, lũy tích số trẻ em nhiễm HIV điều trị ARV trên địa bàn tỉnh là 76 trẻ, trong đó hiện đang điều trị là 72 trẻ. Cả 10 huyện, thành phố đều có trẻ nhiễm HIV. Đặc thù của tỉnh ta là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được phân làm 2 nhóm điều trị: Bệnh nhân là người lớn được điều trị tại 7 phòng khám ngoại trú đặt tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh; bệnh nhân nhi được điều trị tại 2 địa điểm là phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Nhi tỉnh và phòng khám ngoại trú lồng ghép với điều trị cho người lớn đặt tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy. Phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Nhi tỉnh hiện đang điều trị cho 43 bệnh nhân, kinh phí do Dự án VAAC.US.CDC tài trợ; phòng khám ngoại trú đặt tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy hiện đang điều trị cho 29 bệnh nhân, kinh phí do Dự án Quỹ Toàn cầu tài trợ.

Cán bộ Trạm Y tế xã Quang Trung (Vụ Bản) tư vấn cho người dân về cách phòng, chống bệnh tật cho trẻ.
Cán bộ Trạm Y tế xã Quang Trung (Vụ Bản) tư vấn cho người dân về cách phòng, chống bệnh tật cho trẻ.

Với sự phát triển của xã hội, nhận thức của người dân về HIV/AIDS cũng tích cực hơn. Tuy nhiên, để tư vấn và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thành công là một vấn đề khó khăn, đặc biệt, đối với trẻ em. Bởi số người nhiễm HIV đang ngày càng gia tăng cùng với nhu cầu chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý và điều trị cũng ngày một tăng, trong khi đó, hệ thống chăm sóc và điều trị cho trẻ nhiễm HIV còn thiếu; sự phối hợp chuyển tuyến chuyển tiếp giữa các cơ sở y tế và các dịch vụ xã hội chưa chặt chẽ, cán bộ chăm sóc điều trị AIDS cho trẻ còn thiếu, chưa được đào tạo, khó khăn trong tuân thủ điều trị… Bác sĩ Đinh Công Minh, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi tỉnh, người trực tiếp phụ trách phòng khám ngoại trú đặt tại Bệnh viện Nhi tỉnh cho biết: Phòng khám ngoại trú hiện đang điều trị cho 43 bệnh nhi, trong đó đông nhất là huyện Ý Yên 7 cháu, Thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản, mỗi đơn vị 6 cháu. Với mục đích của điều trị ARV cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS là giảm sự nhân lên của vi-rút, tăng số lượng tế bào miễn dịch (CD4), giảm tối đa hoặc không mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ…, trẻ em nhiễm HIV/AIDS cũng như gia đình cần phải tuân thủ tuyệt đối điều trị ARV, phải uống đúng thuốc, đủ thuốc, đúng giờ và đều hằng ngày. Trẻ em đang nhận thuốc ARV tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Nhi có độ tuổi từ 2-14 tuổi. Được điều trị ARV tại phòng khám, nhiều cháu có sức khỏe tốt. Nhiều cháu đã đến tuổi đi học và được đi học. Tuy nhiên, việc tư vấn điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS là hết sức khó khăn, bởi hầu hết các trẻ bị lây nhiễm HIV từ cha mẹ, phần lớn trong hoàn cảnh bố chết, hoặc mẹ chết, có cháu thì cả bố và mẹ đều chết, sống cùng ông bà, cô dì, chú bác, tâm sinh lý trẻ lại chưa phát triển hoàn chỉnh. Để điều trị hiệu quả, các bác sĩ, điều dưỡng phải hướng dẫn cặn kẽ cho trẻ và người nhà trẻ về mục đích của điều trị ARV, việc tuân thủ điều trị ARV, hướng dẫn cách phòng lây nhiễm HIV cho người khác, cách ăn uống hợp lý, vệ sinh cá nhân, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết, hướng dẫn cách xử lý đối với tác dụng phụ của thuốc ARV, hướng dẫn cách xử lý các bệnh nhiễm trùng cơ hội, hướng dẫn làm các xét nghiệm định kỳ như CD4, công thức máu, men gan… Có những trường hợp đặc biệt các bác sĩ, điều dưỡng phải động viên việc lĩnh thuốc đúng hẹn để tránh trường hợp kháng thuốc… Một trong những khó khăn nữa là cán bộ trực tiếp điều trị cho trẻ nhiễm HIV chủ yếu là kiêm nhiệm nên phải thu xếp thời gian để tham gia điều trị cho trẻ nhiễm HIV. Kinh phí điều trị cho trẻ em nhiễm HIV đang giảm dần, chủ yếu ưu tiên vào việc cung cấp thuốc ARV và một số xét nghiệm cơ bản. Ngoài ra, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ nhiễm HIV/AIDS trong xã hội vẫn còn nặng nề, do vậy nhiều gia đình đã dấu diếm hoặc đưa trẻ đi nơi khác sinh sống, gây khó khăn cho công tác quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị.

Từ những khó khăn trên, để điều trị ARV thành công ở trẻ em một cách lâu dài, bền vững, cần sự chung tay hợp tác từ chính bản thân các trẻ em nhiễm HIV, người nhà trẻ em nhiễm HIV, đến bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng xã hội. Hiện trên địa bàn tỉnh có 29 xã, phường có tỷ lệ người nhiễm cao được chọn triển khai mô hình thí điểm chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Thực hiện mô hình, cùng với việc vận động được nhiều đối tượng đến các phòng khám ngoại trú để xét nghiệm, điều trị, các nhân viên chăm sóc còn theo dõi, hỗ trợ người nhiễm HIV để họ được chuyển gửi đến khám lao, điều trị theo chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; người thân của người nhiễm HIV được giới thiệu đến chương trình tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Ngoài ra, mô hình đã phần nào xóa bỏ sự mặc cảm, kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS nói chung và trẻ em nhiễm HIV nói riêng… Do vậy, bên cạnh việc nhân rộng mô hình chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình và cộng đồng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông để nâng cao nhận thức của mỗi người trong việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhi nhiễm HIV/AIDS, góp phần thay đổi hành vi cá nhân và xã hội để không còn kỳ thị với người nhiễm HIV, trẻ em nhiễm HIV, nhằm tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội cùng chung tay chăm sóc người nhiễm HIV và đẩy lùi dịch HIV/AIDS./.

Bài và ảnh: Minh Thuận   



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com