Hướng dẫn cách phòng, chống bệnh dại

08:09, 05/09/2014

Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á xuất hiện bệnh dại trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do bệnh dại ở Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới. Vào mùa hè, nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là rất cao nếu người dân không có những biện pháp phòng tránh tích cực.

Sự nguy hiểm của bệnh dại

Bệnh dại rất nguy hiểm vì khi đã bị lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Người bị động vật nghi dại cắn cần được điều trị dự phòng khẩn cấp bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Nguồn bệnh, thời gian ủ bệnh

Ở Việt Nam, chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu.

Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi-rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Đường lây truyền bệnh dại

Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi-rút dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị dại cũng đã được báo cáo.

Triệu chứng của người bị bệnh dại

Người bệnh dại có những triệu chứng kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dại, tiến tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7-10 ngày.

Cụ thể, khi người lên cơn dại thường có các triệu chứng lâm sàng được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ tiền triệu: Khoảng 1-4 ngày, triệu chứng kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng. Sau đó đến thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp… Bệnh nhân thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Đối với trẻ em, thường bị cắn ở mặt nên thời kỳ ủ bệnh ngắn và diễn biến nhanh chóng, tử vong sau 2-3 ngày.

Phòng tránh bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn

Người bị chó, mèo cắn ngay lập tức phải thực hiện các bước lần lượt như sau: Đầu tiên là xử lý vết thương bằng cách xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn i-ốt.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, bột giặt các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Chú ý khi rửa không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn; tránh khâu kín ngay vết thương. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam để điều trị.

Kêu gọi người dân hãy hạn chế thói quen thả rông chó, mèo./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com