Nhân ngày tim mạch thế giới: Bệnh tăng huyết áp và cách phòng chống

09:09, 26/09/2014

Những người được coi là bị tăng huyết áp khi huyết áp tối đa từ 140 milimét thủy ngân (mmHg) trở lên và huyết áp tối thiểu từ 90mmHg trở lên.

Nguyên nhân gây tăng huyết áp được phân ra làm hai loại:

+ Tăng huyết áp nguyên phát: Hơn 90% trường hợp tăng huyết áp ở người là không rõ nguyên nhân và còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát.

+ Tăng huyết áp thứ phát: Gặp ở các trường hợp mắc các bệnh về thận (viêm cầu thận cấp); bệnh nội tiết; bệnh vỏ thận; bệnh tuỷ thượng thận; bệnh tim mạch (bệnh hẹp eo động mạch thận, viêm, xơ vữa động mạch); do dùng thuốc; các nguyên nhân khác: nhiễm độc thai nghén, bệnh thừa vitamin B1 (Beriberi)…; một số yếu tố thuận lợi: yếu tố di truyền, tính gia đình, yếu tố ăn uống,…

Biểu hiện của tăng huyết áp:

Đa số bệnh nhân bị tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện ra bệnh. Các triệu chứng khác có thể gặp như: đau đầu vùng chẩm và 2 thái dương: hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt, tê đầu chi… nhưng không đặc hiệu. Một số triệu chứng khác của tăng huyết áp tuỳ thuộc vào nguyên nhân tăng huyết áp hoặc biến chứng của bệnh.

Biến chứng của tăng huyết áp:

Ảnh minh hoạ/Internet.
Ảnh minh hoạ/Internet.

Các cơ quan đích bị tổn thương trong tăng huyết áp:

Tim: Suy tim và bệnh mạch vành là biến chứng chính và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối với tăng huyết áp; Dầy thất trái: suy mạch vành biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực điển hình, nhồi máu cơ tim cấp, phù phổi cấp.

Não: Tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhồi máu não.

Thận: Vữa xơ động mạch thận sớm và nhanh, xơ thận gây suy thận dần dần.

Mạch máu: Tăng huyết áp tăng sinh vữa xơ động mạch, phồng động mạch chủ bóc tách,…

Chế độ ăn uống và sinh hoạt cho người tăng huyết áp:

1. Dinh dưỡng hợp lý: Trong bữa ăn cần có sự cân đối và chất lượng cao về mặt dinh dưỡng, không nên ăn quá no, không nên ăn mặn (lượng muối dưới 5 gam một ngày). Nên ăn nhiều các chế phẩm từ đậu nành, bảo đảm lượng hoa quả tươi, ăn các loại thịt ít mỡ, các loại cá, tôm, cua, mực và trứng chỉ ăn 1-2 quả một tuần. Dùng dầu ăn và chế biến thức ăn ở dạng hấp hay luộc chín. Đặc biệt, không nên dùng các loại phủ tạng động vật, chè đặc, cà phê, rượu, thuốc lá,...

2. Luôn luôn tạo ra sự thoải mái về mặt tâm lý: Tâm lý ổn định, lạc quan, tránh căng thẳng, đảm bảo giấc ngủ, những người làm việc căng thẳng cần có nhiều hoạt động thư giãn đầu óc như đi dạo, hoạt động TDTT, nghe nhạc,…

3. Hoạt động TDTT vừa sức: Sẽ điều tiết được hệ thần kinh trung ương, cải thiện chức năng tim mạch, nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể. Người bệnh phải tập kiên trì, thời gian tốt nhất là sáng sớm, 30 phút một ngày và tuỳ từng người có thể tập thái cực quyền, dưỡng sinh, thể dục theo đài, chạy chậm,… Không nên tập những động tác quá mạnh, lượng vận động vừa phải, tốt nhất là thường xuyên đi bộ: mỗi tuần từ 3-4 lần, mỗi lần 30 phút. Nếu kiên trì rèn luyện thể dục lâu dài sẽ góp phần hạ được huyết áp và giảm được các nguy cơ, các biến chứng về tim mạch.

4. Dùng thuốc: Cần theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc chuyên khoa và điều trị càng sớm càng tốt./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com