Bộ Y tế yêu cầu cách ly người bệnh đau mắt đỏ

08:09, 30/09/2014

Các khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa mắt thực hiện việc phân luồng, cách ly người bệnh đau mắt đỏ nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại bệnh viện.

Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trực thuộc và y tế các bộ, ngành thực hiện việc phân luồng, cách ly người bệnh đau mắt đỏ tại khoa khám bệnh và các khoa lâm sàng tại các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa mắt nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại bệnh viện.

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ: Dịch bệnh đau mắt đỏ đã phát triển rầm rộ tại nhiều tỉnh, thành phố. Nếu ngành Y tế không tăng cường việc phòng, chống bệnh dịch sẽ lây lan mạnh hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập và lao động của người dân.

Khi nghi ngờ bị đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa mắt và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.
Khi nghi ngờ bị đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đi khám chuyên khoa mắt và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.

Chính vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan…

Các đơn vị y tế trên cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch đau mắt đỏ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các bệnh viện cần bảo đảm các điều kiện vệ sinh cho người đến bệnh viện như nước rửa tay, xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn tay nhanh…

Để người dân nắm được kiến thức phòng bệnh, các nhân viên y tế cần hướng dẫn người dân đau mắt đỏ đeo khẩu trang, đeo kính, vệ sinh tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người khác tại bệnh viện, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, các bệnh viện cần đảm bảo đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.

Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều vi-rút.

Bệnh có thể lây lan do cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại; đồ vật, đồ dùng cá nhân của nguời bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt…; dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi.

Đặc biệt, thói quen hay dụi mắt, sờ vào mũi, vào miệng cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh. Bệnh viện, công sở, lớp học, nơi làm việc, nơi công cộng, trên xe buýt, tàu hỏa, máy bay… những nơi có mật độ người đông, cự ly gần rất dễ lây bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

Phòng bệnh đau mắt đỏ thế nào?

Bộ Y tế khuyến cáo, khi không có dịch, người dân thường xuyên đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt; giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hằng ngày; đặc biệt không dùng tay dụi mắt.

Khi có dịch, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng.

Bệnh nhân dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc; không tự ý mua thuốc nhỏ mắt; không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Đặc biệt, không đắp các loại lá vào mắt như lá trầu, lá dâu...

Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Nếu bệnh không thuyên giảm sau vài ngày phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị đúng cách...

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com