Phòng chống dịch bệnh trong các nhà trường ngay từ đầu năm học mới

08:08, 26/08/2014

Toàn tỉnh hiện có 857 trường học từ cấp học mầm non đến THPT, trong đó có 264 trường mầm non, 291 trường tiểu học, 246 trường THCS và 56 trường THPT. Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, nhất là một số dịch bệnh phát sinh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản…, Ban chỉ đạo y tế trường học tỉnh đã chỉ đạo Sở GD và ĐT và Sở Y tế xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tại các trường học.

Cán bộ Bệnh viện Mắt tỉnh khám tật khúc xạ cho học sinh các trường THCS ở Vụ Bản.
Cán bộ Bệnh viện Mắt tỉnh khám tật khúc xạ cho học sinh các trường THCS ở Vụ Bản.

Thực hiện chỉ đạo, Sở  Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, tập huấn cho các cán bộ y tế các cấp phác đồ điều trị, giám sát xử lý các dịch bệnh nguy hiểm, tập huấn cho người trông trẻ tại các nhóm trẻ gia đình, cô giáo mầm non về phát hiện và xử lý các trường hợp mắc các bệnh tay chân miệng, thủy đậu. Vào đầu năm học mới 2014-2015, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mở các lớp tập huấn cho hiệu trưởng và cán bộ y tế trường học về công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giáo viên cách ly học sinh mắc bệnh và tổng vệ sinh môi trường ở các trường có học sinh mắc bệnh, đồng thời, hướng dẫn cán bộ y tế trường học tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức (bản tin, thư điện tử, nói chuyện trong giờ chào cờ…), đôn đốc phụ huynh đưa học sinh đến trạm y tế, các trung tâm y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh. Sở GD và ĐT chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tích cực tuyên truyền trên loa đài, bảng tin nhà trường, trong các buổi sinh hoạt tập thể, qua sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình, website... về nguy cơ các dịch bệnh, nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch bệnh của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn giáo viên và học sinh tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học. Nhân viên y tế trường học thường xuyên theo dõi diễn biến dịch bệnh và tư vấn cho lãnh đạo nhà trường các giải pháp tuyên truyền, phòng chống, xử lý các tình huống phát sinh dịch bệnh. Các nhà trường theo dõi sĩ số học sinh, biểu hiện sức khỏe của học sinh trong từng ngày học; nếu phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, phát ban, đau mắt hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe kịp thời phối hợp với phụ huynh để cách ly; đưa học sinh đến cơ sở y tế khám, theo dõi. Riêng các trường mầm non, tiểu học, THCS cần cảnh giác cao với dịch sởi; đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ; giúp trẻ trang phục gọn gàng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đúng cách. Thực hiện tốt công tác vệ sinh lớp học, phát quang bụi rậm, làm vệ sinh các khu công cộng, khơi thông cống rãnh...; đảm bảo đủ nước sạch sinh hoạt, nước uống cho giáo viên, học sinh. Các trường có học sinh nội trú, bán trú đảm bảo VSATTP. Vận động phụ huynh học sinh phòng, chống dịch trong mỗi gia đình; cùng với nhà trường, đôn đốc, nhắc nhở các em giữ gìn vệ sinh, sức khỏe cá nhân, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, làm vệ sinh trường, lớp. Sở GD và ĐT yêu cầu các Phòng GD và ĐT, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, đối với cấp học mầm non, do thời tiết diễn biến bất thường là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao, Sở GD và ĐT yêu cầu tất cả nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn khử khuẩn định kỳ đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt và sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt vào một ngày nhất định trong tuần để phòng ngừa các bệnh lây truyền qua tiếp xúc. Ngoài ra, các trường học tổ chức vệ sinh môi trường; tăng cường điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo sức khỏe cho học sinh…; phối hợp với cơ sở y tế tổ chức truyền thông cho học sinh và giáo viên về các nội dung phòng, chống dịch bệnh như sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết; hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng đúng cách và thường xuyên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… 

Cùng với việc đảm bảo vệ sinh trong trường học, Sở GD và ĐT đang chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế tại địa phương tổ chức các hoạt động phòng, chống các dịch, bệnh: cúm A H1N1, cúm A H5N1, tay chân miệng, nha học đường, mắt học đường, cong vẹo cột sống, lao, sốt rét, sốt xuất huyết, giun sán và các dịch bệnh mới xuất hiện. Tổ chức thực hiện các quy định về vệ sinh trường học, nước sạch và vệ sinh môi trường, đảm bảo dinh dưỡng, VSATTP; phòng tránh tai nạn thương tích. Tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khoá và truyền thông về giáo dục sức khỏe, môi trường, vệ sinh cá nhân. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên vào đầu năm học. Sở Y tế phối hợp với Sở GD và ĐT nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học, tăng cường kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của các bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay (cận thị, bệnh giun sán, cong vẹo cột sống, bệnh răng, miệng) và thay đổi hành vi ở học sinh; tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com