Những khó khăn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

06:08, 16/08/2014

Tính đến hết ngày 31-7-2014, lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 4.975 người, trong đó số bệnh nhân AIDS là 2.604 người, số bệnh nhân AIDS đã tử vong là 1.310 người. Dịch HIV xuất hiện tại 100% huyện, thành phố, 96% xã, phường, thị trấn và hiện nay vẫn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy (NCMT). Qua giám sát phát hiện cho thấy 40% số người nhiễm mới HIV phát hiện trong năm 2014 là NCMT, 62,9% lây nhiễm HIV qua đường máu, 77% trường hợp nhiễm trong độ tuổi từ 20-39 tuổi và nam giới chiếm tới 62,9% trong số người nhiễm HIV.

Cán bộ Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh phát tài liệu tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh phát tài liệu tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.

Trước thực trạng trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ tỉnh đến các huyện, thành phố đã tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh với các hình thức truyền thông trên loa đài truyền thanh xã, phường; tiếp tục triển khai phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS” tại cộng đồng dân cư với các hoạt động như truyền thông trực tiếp, tổ chức các buổi truyền thông tại cuộc họp tổ dân phố, cụm dân cư; tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; truyền thông trực tiếp cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như nhóm NCMT, phụ nữ mại dâm (PNMD), người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh. Trong 7 tháng đầu năm 2014, đã truyền thông cho gần 14 nghìn lượt người NCMT, trên 3.000 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, 7.000 lượt người nhiễm HIV, trên 6.000 lượt người là thành viên gia đình người nhiễm, gần 11 nghìn lượt người thuộc nhóm di biến động, 23 nghìn lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, 16 nghìn lượt người thuộc nhóm từ 15-24 tuổi. Cùng với công tác truyền thông, các hoạt động giám sát HIV/AIDS và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng được tăng cường. Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai với các hoạt động cung cấp bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS) miễn phí cho nhóm hành vi có nguy cơ cao (nhóm người NCMT, nhóm PNMD), địa bàn triển khai tại 6 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh. Qua mạng lưới CTV đồng đẳng, 170 nghìn BKT và 55 nghìn BCS sạch được phát miễn phí. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được triển khai với 5 cơ sở điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone của Thành phố Nam Định và các huyện Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu với tổng số 1.174 bệnh nhân tham gia điều trị. Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV, có 9/10 huyện, thành phố đã có phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện với tổng số 11 phòng. Đối tượng khách hàng đến các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện chủ yếu là đối tượng có nguy cơ cao (NCMT, tiếp viên nhà hàng, PNMD, người đi làm ăn xa, người nhà của người nhiễm HIV...). Chương trình chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS, thực hiện tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở xã, phường với tỷ lệ người nhiễm HIV quản lý được, được tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ khoảng 80%; chương trình điều trị ARV cho người nhiễm HIV đang điều trị cho 1.100 bệnh nhân. Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 8 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con được điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và cả 8 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều được tham gia điều trị dự phòng.

Với những hoạt động trên, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan, chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên công tác phòng, chống HIV trên địa bàn tỉnh cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Tuy số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây nhưng vẫn chưa bền vững, bởi hình thái lây truyền HIV/AIDS đang thay đổi với tỷ lệ người nhiễm HIV là nữ ngày càng tăng. Theo số liệu của Khoa Giám sát, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện tại tỷ lệ người nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện là nữ giới chiếm 37,1%. So với trước đây, một số hành vi nguy cơ liên quan đến HIV/AIDS đang có những thay đổi theo hướng phức tạp và khó kiểm soát, can thiệp. Lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đang có xu hướng gia tăng, cảnh báo sự lây lan nhanh chóng, phức tạp của dịch trong cộng đồng dân cư. Kinh phí chương trình phòng, chống HIV/AIDS chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi nguồn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và các dự án quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS đang trong giai đoạn cắt, giảm. Cụ thể, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 giảm hơn 70% so với năm 2013. Hiện tại hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh hoàn toàn dựa vào nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí hỗ trợ của các dự án quốc tế, chưa có nguồn hỗ trợ từ địa phương. Trong khi đó, một số nhà tài trợ cũng đang giảm nhanh quy mô và sẽ dừng viện trợ (Quỹ Toàn cầu viện trợ đến hết năm 2016, PEPFAR viện trợ đến hết năm 2018). Trong khi nguồn lực suy giảm thì các yêu cầu chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS ngày càng tăng cao. Ngoài ra, khó khăn hiện tại là đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu về số lượng và chất lượng, lại thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn khi triển khai chương trình… Để khắc phục những khó khăn tồn tại nêu trên, tỉnh cần bổ sung nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS khi các dự án tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS cắt, giảm, đồng thời đẩy mạnh chương trình điều trị Methadone, đảm bảo tính bền vững của việc điều trị ARV./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com