Dịch bệnh EBOLA - những điều cần biết

09:08, 29/08/2014

1. Bệnh do vi-rút Ebola là gì?

Bệnh do vi-rút Ebola, từng được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola, là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người, với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là vật chủ tự nhiên của vi-rút này. Bệnh xảy ra ở người và động vật như khỉ, khỉ đột và tinh tinh,...

2. Vi-rút Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?

Vi-rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm.
Vi-rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi-rút (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

3. Đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm vi-rút này?

Các đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi-rút gồm:

- Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh;

- Người tiếp xúc trực tiếp với thi thể người và động vật chết do nhiễm vi-rút Ebola.

- Cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi-rút.

4. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh do vi-rút Ebola là gì?

Người mắc bệnh do vi-rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Một dấu hiệu để nhận biết bệnh là có yếu tố dịch tễ: Có tiền sử ở/ đi/ đến từ vùng/ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người bị bệnh Ebola hoặc động vật nhiễm vi-rút Ebola trong vòng 21 ngày.

5. Cần làm gì để phòng bệnh?

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị hoặc vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Ebola. Có thể áp dụng nhiều biện pháp để phòng lây nhiễm và giảm thiểu hay ngăn chặn sự lây lan của bệnh, như:

- Người dân cần hiểu rõ đặc tính của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.

- Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, không nên chăm sóc cho bệnh nhân tại nhà, người bị nhiễm và thân nhân của người nhiễm vi-rút Ebola cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị.

- Tốt nhất không đi du lịch, công tác tới vùng dịch.

- Thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn.

- Tránh tiếp xúc với máu và dịch thể của người hoặc động vật nhiễm bệnh hay thi thể của người nhiễm vi-rút Ebola. Không ăn thịt sống hoặc chưa nấu chín kỹ.

- Tránh tiếp xúc với vật dụng như kim tiêm đã dính máu hay dịch thể của người nhiễm bệnh.

- Nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị nếu vừa trở về từ vùng dịch và thấy xuất hiện các triệu chứng như: sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau họng, tiêu chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com