Lần đầu được ghi nhận vào năm 1976, đến nay dịch bệnh sốt xuất huyết do vi-rút E-bô-la đang bùng phát mạnh tại bốn nước khu vực Tây Phi, gồm: Ghi-nê, Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn, Ni-giê-ri-a và có nguy cơ lan truyền sang các quốc gia khác. Riêng từ tháng 12-2013 đến nay, tại bốn nước này đã có 1.603 người mắc, trong đó có 887 người đã chết do bệnh này. Sự lây lan của vi-rút E-bô-la đang vượt quá khả năng ứng phó và nguồn lực của chính phủ các nước nêu trên và của các tổ chức cứu trợ nhân đạo. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo kế hoạch và huy động nguồn lực hỗ trợ các nước trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của vi-rút cực kỳ nguy hiểm này.
Nhân viên sân bay thực hiện kiểm tra tại bàn khai báo y tế đối với những hành khách từ vùng có dịch bệnh về nước. |
Các nghiên cứu cho thấy, vi-rút E-bô-la lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, dịch tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới đang tích cực triển khai các biện pháp dự phòng căn bệnh nguy hiểm này. Việt Nam đã và đang có những giải pháp cụ thể. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do vi-rút E-bô-la và có tiền sử đi về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày, cơ quan liên quan cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, các trang, thiết bị, hóa chất dự phòng và điều trị những người nhiễm bệnh do vi-rút E-bô-la. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị cho người bệnh tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, bảo đảm tránh lây lan và hạn chế thấp nhất số người chết. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh, không để lây lan cho nhân viên y tế trong bệnh viện cũng như ra cộng đồng.
Bệnh do vi-rút E-bô-la được xác định là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, nghiêm trọng xếp vào nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh cho nên nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong. Bên cạnh những hoạt động của cơ quan chuyên môn, mỗi người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế, đó là cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn...); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Ngày nay, việc giao thông, đi lại rất thuận tiện giữa các nước và các khu vực, dẫn đến khả năng lây truyền những loại bệnh dịch là rất lớn. Nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống các dịch bệnh như: SARS, cúm A (H5N1), Hội chứng viêm đường hô hấp khu vực Trung Đông... rất cần được phát huy. Mỗi người dân và toàn xã hội cùng nêu cao ý thức cảnh giác và thực hiện dự phòng tích cực sẽ hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của căn bệnh nguy hiểm này./.
Theo nhandan.com.vn