Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ em

07:06, 14/06/2014

Cơ thể con người rất cần có nhiều loại vi chất dinh dưỡng, đặc biệt như vitamin A, sắt, kẽm, i-ốt là những vi chất thiết yếu cho nhiều chức năng trong cơ thể, nhất là đối với sự phát triển của trẻ em.

Vitamin A giúp cho quá trình biệt hoá tế bào biểu mô, đặc biệt biểu mô trụ, tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch và có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều vi chất khác như i-ốt, kẽm, sắt, đồng, vitamin E. Khi thiếu vitamin A sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chậm lớn, dễ bị tiêu chảy và mắc các bệnh nhiễm trùng. Biểu hiện sớm là hiện tượng quáng gà, nặng hơn trẻ sẽ bị khô mắt. Phòng chống thiếu vitamin A, trước hết là đa dạng hoá bữa ăn, là giải pháp lâu dài và hiệu quả. Vitamin A có nhiều trong thức ăn động vật như: gan, trứng, sữa, các loại cá và trong các loại rau xanh thẫm như rau ngót, rau dền, rau muống; trong các loại quả như gấc, đu đủ, cà chua, cà rốt, nhưng để hấp thu được cần chế biến món ăn có đủ dầu, mỡ và bữa ăn cần đủ về số lượng, cân đối về chất lượng. Hằng năm cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi đi uống bổ sung vitamin A 2 lần/năm.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Sắt có trong mọi tế bào, nhiều nhất trong máu. Sắt có vai trò quan trọng trong tạo tế bào hồng cầu, vận chuyển ô-xy và chuyển hoá. Khi thiếu sắt sẽ bị bệnh thiếu máu dinh dưỡng. Sắt có trong thịt, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục), trứng, cá, các loại đậu (nhất là đậu nành), vừng và các loại rau quả: rau cần, rau đay, rau khoai, bí đỏ. Nên ăn nhiều rau xanh, quả chín để có thêm vitamin C giúp cho cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.

Kẽm là một vi chất tham gia nhiều vào quá trình sinh học trong cơ thể, làm tăng khả năng miễn dịch phòng, chống bệnh tật, tăng quá trình phân chia tế bào giúp cơ thể phát triển. Kẽm còn làm tăng cảm giác ăn ngon miệng ở trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng. Thiếu kẽm, trẻ thường bị tái phát các bệnh nhiễm trùng, bị rối loạn tiêu hoá, chán ăn, hay nôn, trớ, gây rối loạn giấc ngủ: ngủ ít, ngủ không ngon giấc, hay khóc về đêm. Thiếu kẽm còn gây tổn thương các biểu mô: viêm lưỡi, rụng tóc, loạn dưỡng móng, dẫn đến trẻ chậm lớn.

I-ốt cũng là vi chất dinh dưỡng không thể thiếu cho phát triển cơ thể, là một nguyên tố cơ bản để tổng hợp hoóc môn tuyến giáp (T3 và T4). Thiếu i-ốt gây phì đại tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ não, làm giảm sút sự phát triển trí tuệ, khả năng học tập, sáng tạo. Thiếu i-ốt trong thời kỳ mang thai và sinh nở gây sẩy thai, thai chết lưu và tử vong sơ sinh. Để phòng thiếu i-ốt và hậu quả của thiếu i-ốt gây ra, chế biến thức ăn hằng ngày cần thường xuyên sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm bột canh, nước mắm có i-ốt. Chú ý sử dụng và bảo quản đúng cách để phát huy hiệu quả phòng bệnh của các loại muối này.

Nguyên nhân thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ rất đa dạng, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là khẩu phần ăn của các bà mẹ mang thai và trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu. Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ, trước tiên cần quan tâm đến dinh dưỡng sớm, tức là chăm sóc dinh dưỡng ngay từ vị thành niên, đặc biệt giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai rất quan trọng, những trẻ suy dinh dưỡng bào thai thường đẻ non, phát triển chậm, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng, nguồn dự trữ sắt và vitamin A không đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ trong 6 tháng đầu. Mặt khác bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh là rất cần thiết để phòng, chống thiếu máu cho cả mẹ và con. Bà mẹ trong vòng một tháng sau khi sinh con cũng cần được uống vitamin A liều cao (200.000 đơn vị) để phòng thiếu vitamin A cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, việc cho trẻ ăn bổ sung, chế biến thức ăn phải quan tâm đến đủ lượng và cân đối về chất. Ngược lại, cần thiết phải phòng, chống các bệnh nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp vì nó liên quan trở lại đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của trẻ nhỏ./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com