Năm 2013, xã Xuân Tiến (Xuân Trường) được chọn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống bệnh nghề nghiệp thông qua việc xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản tại 4 doanh nghiệp vừa và nhỏ, gồm Cty CP May Trường Tiến, Cty TNHH Đông Nam, Xí nghiệp cơ khí Nhật Tân và Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai chương trình dựa trên kết quả điều tra, đánh giá khảo sát về môi trường lao động, điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) tại 4 doanh nghiệp nêu trên; qua đó đề ra các giải pháp cải thiện môi trường làm việc và tiến hành cung cấp các dịch vụ y tế lao động cơ bản cho NLĐ.
Nội dung các giải pháp gồm: giám sát môi trường lao động; tập huấn kiến thức về ATVSLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cả người sử dụng lao động và NLĐ, tập huấn sơ, cấp cứu ban đầu cho NLĐ, các văn bản về ATVSLĐ cho chủ doanh nghiệp và tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ, đưa ra mô hình cơ cấu bệnh tật của NLĐ, từ đó đánh giá nguy cơ nghề nghiệp ảnh hưởng tới sức khỏe NLĐ và đề xuất các giải pháp cải thiện. Ở nội dung giám sát môi trường lao động, qua việc đo kiểm tra tại 4 doanh nghiệp cho thấy: 47,6% mẫu đo nhiệt độ vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép (TCVSCP). Trong đó tất cả các mẫu đo độ ẩm đều nằm ở ngưỡng cao (từ 77-84%). Nhiệt độ trong môi trường lao động ở các doanh nghiệp đều cao. Trong môi trường nóng, cơ thể NLĐ sẽ nhanh mệt mỏi, tần số thở tăng, nhịp nhanh dẫn đến sự tăng trao đổi khí, giãn mạch và tăng tiết mồ hôi, tạo thuận lợi cho các yếu tố độc hại xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và qua da. Có 43,8% mẫu đo tốc độ gió nhỏ hơn 0,5m/s là quá thấp trong khi nhiệt độ không khí cao làm cho cơ thể NLĐ khó thải nhiệt. Ở cả 4 doanh nghiệp, qua đo kiểm tra, cả mẫu đo ánh sáng và mẫu đo tiếng ồn đều không đạt TCVSCP. Việc lao động trong môi trường thiếu ánh sáng không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trong quá trình sản xuất mà còn tác động tới tinh thần, tâm lý của NLĐ, gây bệnh cho mắt. NLĐ liên tục làm việc trong môi trường có tiếng ồn cao sẽ giảm dần thính lực và dẫn đến bệnh điếc nghề nghiệp. Ở nội dung tập huấn kiến thức về ATVSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp, có 250 NLĐ có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp và chủ sử dụng lao động ở 4 doanh nghiệp được tham gia tập huấn nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe NLĐ; các yếu tố vệ sinh lao động và biện pháp phòng ngừa; hướng dẫn sơ, cấp cứu ban đầu trong các cơ sở lao động... Tham gia lớp tập huấn, NLĐ và người sử dụng lao động nhận thức rõ hơn các yếu tố tác hại trong môi trường lao động, qua đó cải thiện điều kiện lao động và vệ sinh môi trường làm việc; nắm được kiến thức cơ bản trong sơ, cấp cứu ban đầu và thực hành cấp cứu các tai nạn thường gặp. Đồng thời, nhận thức được tầm quan trọng trong việc thực hiện đúng các quy định về bảo hộ lao động, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy chế chuyên môn nhằm giảm bớt tai nạn lao động dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Trong tổ chức khám sức khoẻ cho NLĐ, 450 lao động tại 4 doanh nghiệp được khám sức khoẻ cho thấy tỷ lệ NLĐ mắc bệnh hệ vận động (chủ yếu là thoái hóa đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng, đau mỏi các cơ xương khớp) chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm nghề cắt, tiện và hàn (48,8-47,5%) và khá cao ở nhóm công nhân may (33,8%). Tỷ lệ NLĐ mắc bệnh về tai mũi họng ở nhóm công nhân may và hàn cũng chiếm tỷ lệ cao (43,5%-40,6%). Các triệu chứng thường gặp là ho, viêm họng, viêm mũi dị ứng do tiếp xúc với bụi bông, hơi, khói hàn. Kết quả trên cũng chỉ ra mối liên quan giữa việc sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân với cơ cấu bệnh của NLĐ. Thông qua công tác khám sức khỏe, phân loại sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đưa ra được mô hình cơ cấu bệnh tật của NLĐ và các yếu tố liên quan, tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, từ đó đề xuất các khuyến nghị và giải pháp cho chủ sử dụng lao động nhằm cải thiện môi trường lao động và cách bố trí NLĐ làm việc phù hợp với sức khỏe.
Từ khi triển khai mô hình cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản đến nay, tại các doanh nghiệp, tai nạn lao động ít xảy ra, sức khỏe của NLĐ được quan tâm hơn. Các chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò của công tác y tế lao động, từ đó tiến hành cung cấp các dịch vụ lao động cơ bản phù hợp yêu cầu sản xuất và cung cấp bảo hộ lao động cho công nhân, giám sát môi trường định kỳ để có biện pháp giảm các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ, định kỳ khám sức khỏe để phân loại lao động, bố trí công việc phù hợp, tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe NLĐ./.
Minh Thuận