Mấy điều cần biết về bệnh tay chân miệng

04:05, 22/05/2014

Bệnh tay chân miệng do các loại vi-rút thuộc nhóm đường ruột gây ra, trong đó hay gặp là vi-rút đường ruột tuýp 71 (EV71) và Coxsackie A16, riêng vi-rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và tử vong. Vi-rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, hay gặp nhất là trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với các biểu hiện như: sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng; 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, xuất hiện đau trong miệng, có đốm đỏ như phỏng rộp và sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, lợi và niêm mạc má; phát ban trên da, không ngứa trong 1-2 ngày với những đốm màu đỏ không nổi hoặc nổi lên, có khi có rộp da. Ban thường nằm trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện trên mông hoặc ở cơ quan sinh dục...

Người bị bệnh tay chân miệng có thể không có biểu hiện triệu chứng, hoặc có thể chỉ có phát ban hoặc chỉ loét miệng. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong.

Khác với sởi, thủy đậu, nếu đã từng mắc sởi, thủy đậu thì gần như được miễn dịch suốt đời, riêng với bệnh tay chân miệng có thể mắc nhiều lần do có nhiều tuýp vi-rút khác nhau. Người bệnh chỉ miễn dịch đối với một loại vi-rút cụ thể, những lần mắc bệnh khác có thể xảy ra do lây nhiễm một loại vi-rút tuýp khác.

Để phòng bệnh hiệu quả, cần rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ nhỏ ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ. Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường. Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng...) với trẻ em bị bệnh. Khi trẻ bị bệnh, không nên cho trẻ đi học hoặc đến nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn. Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo, đồng thời, lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com