Hiệu quả từ Dự án Nâng cao năng lực các bệnh viện tuyến huyện

07:05, 08/05/2014

Hiện nay, tại các bệnh viện tuyến huyện mới chỉ cung cấp khoảng 40% dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, các phòng xét nghiệm tuyến huyện, mặc dù đóng vai trò then chốt trong công tác chẩn đoán, điều trị bệnh lại bị hạn chế về quy mô và năng lực (nhân lực thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn) dẫn đến những hạn chế trong công tác KCB tại tuyến cơ sở và gây tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.

Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai tập huấn kỹ thuật cho cán bộ xét nghiệm các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh.
Cán bộ Bệnh viện Bạch Mai tập huấn kỹ thuật cho cán bộ xét nghiệm các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh.

Để nâng cao chất lượng xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán bệnh, Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) đã phối hợp với Sở Y tế, Tổ chức Sức khỏe Gia đình quốc tế (FHI 360) thực hiện Dự án Nâng cao năng lực các bệnh viện tuyến huyện thông qua việc tăng cường hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm tại 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, thành phố của tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Mỹ Lộc, Giao Thủy, Nghĩa Bình, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Trực Ninh, Nam Trực và Thành phố Nam Định với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đây là một mô hình can thiệp được thực hiện thí điểm trong thời gian từ tháng 2-2012 đến cuối năm 2013 và một số nội dung được tiếp tục thực hiện sang năm 2014 tại 11 bệnh viện trên. Mục tiêu đặt ra tại 11 bệnh viện tuyến huyện là: hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tại 11 phòng xét nghiệm; nâng cao năng lực thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm; tăng cường mối quan hệ, cộng tác giữa phòng xét nghiệm và các khoa lâm sàng trong công tác KCB. Để thực hiện dự án, các bệnh viện được tập huấn kỹ thuật, hội thảo chuyên môn, được hỗ trợ và giám sát kỹ thuật về chất lượng xét nghiệm. Trong quá trình triển khai dự án đã tiến hành 5 lớp tập huấn, 2 hội thảo chuyên môn cho 309 lượt học viên là lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ, phụ trách và nhân viên xét nghiệm các nội dung về hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, kỹ thuật xét nghiệm vi sinh và an toàn sinh học, kỹ thuật xét nghiệm hóa sinh, sử dụng kết quả xét nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh, sử dụng kết quả nội kiểm và ngoại kiểm, tổng kết kết quả và chia sẻ bài học kinh nghiệm. Cùng với tập huấn, các hội thảo chuyên đề được tổ chức, tập trung vào các vấn đề thường gặp tại 11 bệnh viện và biện pháp giải quyết vấn đề dựa trên điều kiện thực tế của các bệnh viện. Quá trình giám sát hỗ trợ kỹ thuật diễn ra trực tiếp và thường xuyên với hình thức giám sát qua nhiều kênh: điện thoại, thư điện tử, giám sát hỗ trợ trực tiếp tại các bệnh viện… Qua hai năm đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các phòng thí nghiệm tại 11 bệnh viện tuyến huyện của tỉnh, Dự án đã giúp nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng dịch vụ xét nghiệm nói riêng và các dịch vụ y tế của bệnh viện nói chung; giảm số ca chuyển tuyến do thiếu xét nghiệm hỗ trợ việc chẩn đoán và điều trị từ 22,3% trước khi triển khai xuống còn 7,6% sau khi triển khai can thiệp.

Mô hình thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại các bệnh viện tuyến huyện thuộc Dự án Nâng cao năng lực các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hiệu quả việc nâng cao năng lực xét nghiệm, năng lực cung cấp dịch vụ y tế của cả 11 bệnh viện. Mô hình này cần được các bệnh viện tiếp tục duy trì và nhân rộng. Tại một buổi hội thảo chuyên môn, đồng chí Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết: “Dự án hướng tới việc nâng cao chất lượng phòng thí nghiệm tuyến huyện ở tỉnh Nam Định là một mô hình hiệu quả, nên được nghiên cứu cho mục đích học tập và nhân rộng”. Tuy nhiên, quá trình triển khai Dự án tại tỉnh ta cũng bộc lộ không ít những khó khăn, hạn chế kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực, trao đổi thông tin, cơ hội tiếp cận, triển khai các kiến thức mới và sự không đồng đều giữa các bệnh viện tuyến huyện. Từ những thành công bước đầu và những hạn chế trong việc triển khai mô hình thí điểm tại tỉnh ta, Tổ chức FHI 360 đang rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn quốc./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com