Bí đỏ còn gọi là bí ngô, bí rợ, hay nam qua. Bí đỏ là cây vừa được dùng làm thực phẩm vừa được dùng làm thuốc, được trồng ở khắp các vùng miền trong nước ta. Tất cả các bộ phận của cây bí như lá non, ngọn bí, nụ hoa, quả non đều có thể sử dụng làm rau ăn rất ngon và bổ, trở thành món ăn đặc sản của nhiều vùng.
Rau bí còn được sử dụng để chữa các chứng đau đầu chóng mặt, dưới dạng xào, nấu canh ăn, mỗi lần có thể vài trăm gam. Tuần lễ nên dùng 1 - 2 lần.
Cùi bí còn gọi là phần thịt quả bí chứa tới 87% nước, 1,40% protid, 0,5% lipid, 9% chất không có nitrogen, 2,80% chất đường, xanthophin các vitamin B1, B2, C… và nhiều nguyên tố vi lượng như Fe, Mn, Cu, Zn… Còn chứa nhiều carotene, một chất chống ôxy hóa mạnh, tăng cường khả năng miễn dịch, phòng bệnh và chống lão hóa cho cơ thể. Theo kinh nghiệm dân gian, cùi bí ngô có tác dụng bổ thần kinh, điều hòa tỳ vị, bổ khí lực, nhuận tràng, dùng trị đau đầu, suy nhược thần kinh và chống táo bón. Người ta khuyên nên thường xuyên ăn quả bí ngô, ít nhất là 2 lần trong tuần.
Hạt bí đỏ được dùng để trị giun sán. |
Hạt bí có nhiều acid amin: alanin, valin, leucin, histidin, cystin, calanin, arginin, lysine và chứa nhiều dầu béo, được dùng để làm thuốc trị giun và sán. Vì hạt bí chứa nhiều acid amin và dầu béo, khi sao vàng có mùi thơm ngon, bùi và ngậy khi ăn. Chính vì vậy mà hạt bí đỏ được ưa dùng để tiếp khách trong các dịp lễ tết, liên hoan, cưới hỏi.
Cách chế biến hạt bí để làm thuốc tẩy giun sán: Sau khi bổ quả bí ra, thu lấy toàn bộ phần hạt, loại bỏ phần màng, rửa sạch, phơi khô. Trước khi dùng sao qua cho giòn rồi tiến hành theo 2 cách, một là để cả vỏ, với liều 300g cho người lớn, trẻ em tùy tuổi, giảm lượng cho phù hợp, chẳng hạn dưới 5 tuổi dùng khoảng 50 - 70g, từ 5 - 7 tuổi dùng 100g, 7 - 10 tuổi dùng 150g. Nên tán thành bột thô, thêm khoảng 2 thể tích nước (so với khối lượng hạt), sắc nhỏ lửa, hoặc đun cách thủy khoảng 1,30 - 2 giờ. Gạn, lọc lấy dịch, có thể thêm chút đường cho dễ uống. Uống hết một lần vào lúc đói; cách thứ 2 là đem hạt bóc hết vỏ ngoài, lấy nhân, tán thành bột mịn, thêm chút nước đun sôi để nguội, một chút mật ong hoặc đường, quấy đều. Ăn một lần vào lúc đói. Người lớn dùng liều 100g, trẻ em 3 - 4 tuổi dùng 30g, 5 - 7 tuổi dùng 50g, 7-10 tuổi dùng 75g. Thông thường, trước khi uống thuốc 6 - 9 giờ, người ta thụt nhẹ hoặc uống liều thuốc tẩy nhẹ (30g magnesi sulfat). Sau khi uống thuốc, nằm nghỉ khoảng 3 giờ rồi đi ngoài trong một chậu nước ấm, chú ý cần nhúng cả phần mông vào chậu nước để có nhiệt độ đủ ấm cho giun sán bò ra.
Do hạt cau chứa các alkaloid arecolin có tác dụng độc đối với thần kinh của con sán, gây tê liệt các cơ trơn của sán, và làm cho sán không bám vào thành ruột được và bị tống ra ngoài do tác dụng của một liều thuốc tẩy nhẹ. Vì vậy nếu phối hợp 2 loại dược liệu hạt bí ngô và hạt cau, sẽ đạt hiệu quả cao trong việc điều trị sán trên người. Sau 2 giờ uống hạt bí ngô thì uống nước sắc hạt cau với lượng 30g đối với trẻ em từ 10 tuổi trở xuống, với phụ nữ và đàn ông bé nhỏ, dùng 50 - 60g, người lớn 80g. Cho hạt cau vào sắc với 500ml nước. Sắc còn 150ml, gạn lấy nước. Nhỏ dung dịch gelatin 2,5% để tủa hết tannin để loại bỏ chất chát, khó uống. Gạn, lọc lấy phần nước trong để uống. Sau khi uống nước hạt cau 30 phút thì uống liều thuốc tẩy với 30g magnesi sulfat. Nằm nghỉ, khi muốn đi ngoài thì cũng tiến hành theo cách ở trên.
(Theo SK&ĐS)