1. Tác hại của đôi bàn tay bẩn: Bàn tay bẩn là nơi vi sinh vật gây bệnh tồn tại và phát triển dẫn đến bệnh tật cho mình và cho nhiều người khác ở trong gia đình và cộng đồng. Qua bàn tay bẩn, cơ thể chúng ta, đặc biệt là trẻ em, rất dễ bị nhiễm các bệnh: suy dinh dưỡng kể cả thể thấp còi ở trẻ em, cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh tay, chân, miệng, viêm phổi, tiêu chảy và nhiễm giun sán...
2. Lợi ích của việc rửa tay với xà phòng: Nếu rửa tay bằng xà phòng đúng cách thì sẽ giảm được vi khuẩn ở tay hạn chế nhiễm vào thức ăn hoặc vào miệng. Theo tổ chức Y tế Thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch đã giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn vốn là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người trên thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy rửa tay bằng xà phòng có thể làm giảm rủi ro nhiễm vi khuẩn tiêu chảy tới 47%, vi khuẩn đường hô hấp tới 19-45%.
Khi nào cần rửa tay: Phải thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng hằng ngày, nhất là ở các thời điểm quan trọng như: Trước khi chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn, cho trẻ ăn; sau khi làm vệ sinh cho trẻ; sau khi đi vệ sinh; sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm; rửa tay khi thấy tay bị bẩn.
3. Quy trình thực hành rửa tay bằng xà phòng:
Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoáy lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà sát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia và ngược lại.
Bước 6: Xả cho tay hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô bằng khăn hoặc giấy sạch.
Lưu ý: Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút. Các bước 2, 3, 4, 5 làm đi, làm lại tối thiểu là 5 lần.
Rửa tay bằng xà phòng được coi là giải pháp đơn giản nhất, chi phí thấp nhất và mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu thường xuyên rửa tay sạch chúng ta sẽ giảm: 47% rủi ro do nhiễm khuẩn tiêu hóa; 19%-45% nhiễm khuẩn đường hô hấp; loại trừ 35% khả năng lây truyền vi khuẩn Shighella - nguyên nhân gây các bệnh tiêu chảy./.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định