Ở nước ta, nhất là miền Bắc vào thời điểm cuối xuân sang đầu hạ, thời tiết luôn thay đổi, có những đợt gió mùa đông bắc về làm thời tiết đang ấm áp trở lạnh đột ngột. Lại có những ngày ẩm nồm, mưa phùn ẩm ướt, hay những ngày nắng khô rất khó chịu. Đó là điều kiện tốt cho thực vật, nấm mốc, côn trùng, và các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển, có bệnh lây lan thành dịch. Cần chú ý phòng bệnh cho trẻ em và người cao tuổi. Các bệnh hay gặp là bệnh đường hô hấp, tim mạch, tiêu hoá.
1. Bệnh đường hô hấp:
Thời tiết lúc lạnh, lúc khô, nồm, ẩm ướt, kích thích niêm mạc đường hô hấp gây nên hiện tượng xung huyết, tăng tiết dịch. Phản ứng này kéo dài tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật xâm nhập gây bệnh và tạo nên đợt bùng phát các bệnh mãn tính đường hô hấp, như bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh hen phế quản, nguy cơ quan trọng hơn là các bệnh cấp tính như cúm, ho gà, quai bị, thuỷ đậu ở trẻ em. Hiện nay chúng ta được cảnh báo dịch cúm A (H5N1), A (H1N1) luôn tiềm ẩn bùng phát trở lại thành dịch.
2. Bệnh tim mạch:
Những người cao huyết áp, tâm phế mãn, xơ vữa động mạch khi thời tiết thay đổi đột ngột dễ xảy ra các tai biến mạch máu não, mạch máu cơ tim, để lại di chứng nặng nề dẫn đến tàn phế. Ở Việt Nam 93% di chứng tai biến mạch máu não về vận động và tỷ lệ tử vong rất cao. Những người có bệnh trên, nếu uống rượu, cà phê, hút thuốc rất dễ có tai biến.
Thời kỳ này muỗi cũng phát triển (mùa hoa xoan), là côn trùng trung gian truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết là những bệnh rất nguy hiểm và dễ lây lan thành dịch.
3. Bệnh đường tiêu hoá:
Thực phẩm trong những ngày này nếu không được lựa chọn, chế biến và bảo quản tốt khi sử dụng sẽ bị rối loạn tiêu hóa. Hơn nữa đây là thời kỳ ruồi, nhặng phát triển, chúng đậu vào nơi ô nhiễm: phân, rác, xác súc vật rồi đậu vào vật dụng, thức ăn, đồ uống gieo rắc mầm bệnh. Chúng ta hay gặp bệnh nhân mắc tiêu chảy, tả và lỵ. Có trường hợp nặng không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong.
Cán bộ y tế cơ sở cần quan tâm truyền thông GDSK những vấn đề sức khoẻ này một cách kịp thời, phổ biến kiến thức phòng bệnh đến với người dân, như:
- Vệ sinh cá nhân: Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo hằng ngày bằng nước ấm ngay cả khi trời lạnh.
Thường xuyên giặt khẩu trang, găng tay, miếng lót mũ bảo hiểm. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn mỗi khi tiếp xúc với bụi bẩn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài đường, nơi đông người.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn đủ bữa, đủ chất; lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm, thức ăn an toàn.
- Tập luyện dưỡng sinh, lao động hợp lý, mặc áo dài, ngủ màn.
- Vệ sinh hoàn cảnh môi trường: Nhà thoáng, kín gió, ngăn nắp sạch sẽ, diệt ruồi, muỗi, khơi thông cống rãnh, diệt bọ gậy, ý thức xử lý phân, nước, rác thải.
Người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ, định kỳ. Cảnh báo người dân khi có biểu hiện bệnh gây dịch như cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết cần được đi khám, chẩn đoán sớm để có biện pháp cách ly, điều trị tích cực, và thông báo dịch kịp thời, sớm nhất./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định