Trong những năm qua, đội ngũ lương y của Hội Đông y huyện Hải Hậu luôn tích cực học tập, trau dồi y đức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc khám, chữa bệnh (KCB) chăm sóc sức khoẻ phục vụ nhân dân.
Lương y Hội Đông y Hải Hậu khám bệnh, bốc thuốc cho người bệnh. |
Hội Đông y huyện hiện có 1 phòng chẩn trị, 16 hội đông y xã và 2 chi hội trực thuộc với 125 hội viên. Những năm qua, các hoạt động cụ thể của Hội đều được triển khai toàn diện, đồng bộ, tập trung nâng cao chất lượng công tác KCB. Trung bình mỗi năm, Hội Đông y huyện và các Hội cơ sở đã KCB cho gần 40.000 lượt bệnh nhân, bốc hàng trăm nghìn thang thuốc. Trong năm 2013, tổng số lượt bệnh nhân được KCB bằng đông y tại phòng chẩn trị của Hội và tại các chi hội trực thuộc của huyện là 95.342 lượt người. Cùng với công tác KCB, chăm sóc sức khoẻ phục vụ nhân dân, hằng năm Hội còn làm tốt các công tác từ thiện nhân đạo KCB, cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, đối tượng chính sách, người già, trẻ em tàn tật. Năm 2013, số bệnh nhân được KCB miễn phí là 2.145 lượt người. Hội thường xuyên kết hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện triển khai thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 2166/NQ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nền Đông y Việt Nam trong tình hình mới và kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền đến năm 2020; kết hợp giữa Hội Đông y và trạm y tế xã trong công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ của hội viên, Hội thường xuyên cử lương y đi học bác sĩ, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kỹ thuật châm cứu, y học cổ truyền cho 125 lương y. Ngoài ra, các lương y trong Hội cũng thường xuyên giao lưu trao đổi kinh nghiệm hay, môn thuốc quý truyền thụ lại cho thế hệ trẻ, đồng thời tích cực phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân, đặc biệt là trong gia đình hội viên để có sẵn nguồn dược liệu phục vụ việc phòng, chữa bệnh kịp thời. Trong công tác kế thừa, đào tạo, Hội thường xuyên mở hội nghị thảo luận những bài thuốc hay, tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao về châm cứu, xoa bóp bấm huyệt của Viện Châm cứu Trung ương gửi các thành viên của phòng chẩn trị huyện hội lên Viện Châm cứu Trung ương để tập huấn về phương pháp điện châm điều trị, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng; tổ chức các buổi thảo luận, đúc kết các bệnh án hay, bài thuốc quý đặc trị có hiệu quả các bệnh như huyệt vựng, chứng tý, thất miên, thạch lâm, cảm thương hàn, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, di niệu; viết các bài tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về phòng bệnh, chữa bệnh, trồng và sử dụng cây thuốc nam cho nhân dân. Trong Hội, các cụ lương y cao tuổi, lương y gia truyền luôn là chỗ dựa cho các hoạt động của Hội, cống hiến cho Hội những bài thuốc hay, biên dịch những cuốn sách thuốc cổ truyền quý. Xác định công tác kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại là vấn đề then chốt để hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về Đông y, Hội đã phối hợp với Phòng Y tế triển khai các hoạt động như quản lý sử dụng đội ngũ thầy thuốc đông y trong hệ thống thống nhất về tổ chức, phòng bệnh, KCB, trồng và sử dụng thuốc nam, hoàn thành các tiêu chuẩn y tế quốc gia về y học cổ truyền, đảm bảo cho 33 trạm y tế xã, thị trấn có lương y và cơ sở KCB bằng đông y. Hội thường xuyên phối hợp các ngành, đoàn thể liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền thảo luận, vận động nhân dân khôi phục phong trào khai thác và sử dụng thuốc nam theo mô hình khóm thuốc gia đình, vườn thuốc mẫu tại trạm y tế, các phòng chẩn trị, vườn cây cảnh là cây thuốc. Hiện đã có trên 100 xóm trong huyện được tổ chức Hội và hội viên hướng dẫn trồng, sử dụng khóm thuốc gia đình, nhận mua dược liệu. Đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động, Hội coi trọng nhiệm vụ rèn luyện y đức, y thuật, chấp hành y đạo, nâng cao nhận thức về vai trò của Hội, của người thầy thuốc đông y, phát huy sức mạnh truyền thống đoàn kết nghề nghiệp tạo được sự thống nhất cao trong Hội, khơi dậy lương tâm, trách nhiệm và chất lượng KCB, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều tổ chức Hội vững mạnh như Hải Bắc, Hải Cường, Hải Phương, Hải Ninh, Thị trấn Thịnh Long, Thị trấn Cồn…
Với những việc làm thiết thực, cụ thể trong công tác chuyên môn cũng như các hoạt động từ thiện nhân đạo, nhiều năm qua Hội Đông y huyện Hải Hậu và các Hội cơ sở đã tạo được niềm tin đối với bệnh nhân trong và ngoài huyện. Với nhiều kết quả trong hoạt động công tác, nhiều năm liên tục Hội Đông y huyện được Trung ương Hội Đông y Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Đông y tỉnh Nam Định, UBND huyện đánh giá cao.
Về mục tiêu phấn đấu trong năm 2014, Lương y Trần Tiến Lãng, Chủ tịch Hội Đông y huyện chia sẻ: Năm 2014, Hội tiếp tục củng cố mạng lưới tổ chức Hội từ huyện xuống xã, xây dựng kế hoạch hoạt động lồng ghép giữa Hội Đông y và trạm y tế xã để kết hợp chặt chẽ giữa Đông y và Tây y chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, kết nạp những người hành nghề đông y có tâm huyết để tăng cường những nhân tố mới cho Hội, duy trì chế độ sinh hoạt, nâng cao cả về nội dung chuyên môn, y đức, y thuật kết hợp với xây dựng Hội vững mạnh về tổ chức. Phát triển phong trào trồng cây dược liệu trong toàn huyện, đặc biệt là ở các gia đình hội viên, trồng các loại dược liệu quý như trạch tả, hoài sơn, ngưu tất, sinh địa… và một số dược liệu thông thường khác, kết hợp với khai thác thu mua dược liệu để có đủ nguồn dược liệu phục vụ phòng và chữa bệnh kịp thời. Đúc kết những kinh nghiệm hay, những bài thuốc quý để kế thừa và ứng dụng trong việc phòng và chữa bệnh đạt kết quả ngày càng cao. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh và phấn đấu đạt tỷ lệ bệnh nhân KCB bằng đông y đạt 25% ở tuyến xã, khoảng 40% ở tuyến huyện./.
Bài và ảnh: Minh Thuận