Bất cập trong quản lý cơ sở hành nghề y tư nhân

07:01, 21/01/2014

Khoảng hơn 5 giờ chiều, tại phòng khám không biển hiệu của y tá X đang công tác tại một bệnh viện trên địa bàn Thành phố Nam Định khá đông người ngồi chờ khám. Gọi là “phòng khám” nhưng trang thiết bị tại đây khá sơ sài. Trên diện tích khoảng 20m2, có một quầy thuốc, một bàn khám bệnh, một giường nằm và vài chiếc ghế. Sau khi khám cho bệnh nhân, y tá X chỉ định là bệnh nhân khó thở do hen phế quản. Với những thao tác khá thuần thục, y tá X vừa bơm thuốc xịt vào họng cho người bệnh, vừa tiêm và truyền nước cho những bệnh nhân bên cạnh. Một số người đến mua thuốc, được y tá X kê toa thuốc qua cách khám hỏi - đáp tình trạng sức khoẻ của người bệnh… Không chỉ khám cho người lớn, ngay cả trẻ nhỏ cũng được bố mẹ “tín nhiệm” cho con tới khám bởi thuốc của y tá X “uống vào là khỏi ngay”.

Khám bệnh cho người dân tại Phòng khám Hoàng Hoa Thám (TP Nam Định).
Khám bệnh cho người dân tại Phòng khám Hoàng Hoa Thám (TP Nam Định).

Hệ thống khám, chữa bệnh (KCB) ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện có 1 bệnh viện quy mô 45 giường; 18 phòng khám đa khoa, trong đó có 3 phòng khám đa khoa tham gia KCB BHYT gồm: Phòng khám Sông Hồng, Hồng Phúc, Hoàng Hoa Thám; 90 phòng khám chuyên khoa (mắt, tai mũi họng, nội nhi, sản, xét nghiệm, da liễu, tâm thần…) và trên 400 phòng chẩn trị y học cổ truyền (YHCT). Các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, đã giảm tải ở các bệnh viện công, bước đầu tạo sự cạnh tranh lành mạnh góp phần nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Do loại hình chăm sóc sức khỏe ngoài công lập đang ngày càng được tạo điều kiện phát triển, nhiều người bệnh đã lựa chọn cơ sở KCB tư nhân để điều trị, bởi theo họ, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ luôn nhiệt tình và nhất là “không mất nhiều thời gian” chờ đợi đến lượt khám. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế tư nhân nào cũng hội đủ những điều kiện như người dân mong muốn. Trong đợt tổng thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh mới đây của Sở Y tế cho thấy, đa số các cơ sở được kiểm tra cơ bản có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động đúng quy định: người quản lý và đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại phòng khám đều có chứng chỉ hành nghề; các cơ sở đều có bảng giá niêm yết công khai giá dịch vụ KCB, giá bán thuốc; các cơ sở có máy X-quang đều có giấy phép sử dụng thiết bị X-quang, giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn bức xạ của Sở KH và CN cấp; các phòng khám đa khoa, chuyên khoa đều đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đủ trang thiết bị phục vụ công tác KCB. Tuy nhiên quá trình kiểm tra cũng phát hiện nhiều cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về hành nghề y tư nhân như: Một số cơ sở chưa cấp đổi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động mới theo Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế. Một số cơ sở KCB vượt phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng chỉ định cận lâm sàng (xét nghiệm, X-quang…) nhằm thu lợi nhuận cao. Đội ngũ điều dưỡng viên của một số phòng khám đa khoa chưa có chứng chỉ hành nghề, một số cơ sở chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Cụ thể như: cơ sở răng hàm mặt ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Xuân Trường, các cơ sở kính thuốc ở huyện Giao Thủy. Một số cơ sở không lập danh sách trích ngang của nhân viên được phân công công việc phù hợp bằng cấp chuyên môn. Người phụ trách chuyên khoa ở một số phòng khám đa khoa chưa được phân công cụ thể bằng quyết định của giám đốc phòng khám. Nội dung biển hiệu của nhiều cơ sở chưa đúng quy định (không niêm yết giờ làm việc, không ghi tên người phụ trách chuyên môn). Một số phòng khám điều kiện cơ sở vật chất còn chật chội. Đa số các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, massage đều chưa có phòng y tế, tủ thuốc cấp cứu, hệ thống chuông báo ra ngoài. Trong thực hiện quy chế chuyên môn, có cơ sở trang bị hộp cấp cứu chống sốc chưa đảm bảo đúng quy định như thiếu danh mục, thiếu cơ số thuốc, bơm tiêm, hoặc thừa cơ số thuốc, hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn được quy định trong giấy phép hoạt động. Đa số các phòng khám sổ sách ghi chép theo dõi KCB chưa đúng quy định, không đủ cột mục, nội dung. Công tác bảo quản thuốc ở một số cơ sở chưa đúng quy định. Nhiều phòng khám chưa thực hiện đúng quy định về phân loại rác thải. Một số cơ sở YHCT chưa đảm bảo công tác vô khuẩn khi châm cứu… Những vi phạm trên cho thấy việc quản lý các cơ sở hành nghề y tư nhân đang tồn tại khá nhiều khiếm khuyết ảnh hưởng đến chất lượng thực tế công tác chăm sóc sức khỏe KCB cho nhân dân. Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, đoàn thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản 6 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động 3 cơ sở và xử lý phạt tiền 6 cơ sở.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hành nghề y tư nhân để các cơ quan chức năng và cộng đồng biết và phối hợp giám sát. Phòng Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, quản lý các cơ sở hành nghề y tư nhân, phát hiện kịp thời các cơ sở hành nghề bất hợp pháp trên địa bàn để xử lý nghiêm. Chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, thành lập các đội kiểm tra liên ngành rà soát các cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com