Nỗ lực giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV
Tính đến ngày 29-11-2013, toàn tỉnh có lũy tích số người nhiễm HIV là 4.885 người, trong đó, lũy tích số bệnh nhân AIDS là 2.440 người, số bệnh nhân AIDS đã tử vong là 1.200 người. Dịch HIV xuất hiện tại 100% huyện, thành phố, 96 xã, phường. Qua số liệu giám sát phát hiện mới đây của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy 55,81% trường hợp lây nhiễm HIV là qua đường máu, tỷ lệ người nhiễm là nam giới chiếm 80,86%, 72,8% trường hợp nhiễm trong độ tuổi từ 20-39 tuổi. Riêng từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 214 người nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 158 người, số bệnh nhân AIDS đã tử vong là 24 người.
Trước thực trạng trên, tỉnh ta đã có sự chuẩn bị cả về cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức, nhân lực, vật lực cho mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”. Được sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh, công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai toàn diện trên địa bàn toàn tỉnh với các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại (phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone), chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS tại các phòng khám ngoại trú, tại nhà và tại cộng đồng, chương trình giám sát phát hiện... góp phần quan trọng hạn chế tỷ lệ lây nhiễm HIV, qua đó, chất lượng điều trị cho bệnh nhân AIDS cũng ngày càng được nâng cao.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2012 tổ chức tại huyện Ý Yên. |
Trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, thông tin giáo dục truyền thông luôn được xem là một trong những hoạt động và là giải pháp hàng đầu, đóng vai trò then chốt trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và ngăn chặn nạn dịch, góp phần giúp kiểm soát tốt và giảm đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV/AIDS. Công tác thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh và được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú tới các đối tượng tại cộng đồng dân cư và nhóm hành vi nguy cơ cao tại 10 huyện, thành phố như nhóm nghiện chích ma tuý (NCMT), phụ nữ mại dâm (PNMD), người nhiễm HIV và gia đình, tiếp viên nhà hàng khách sạn trên địa bàn toàn tỉnh. Trong 11 tháng đầu năm 2013, đã truyền thông cho 73.243 lượt người NCMT, 19.000 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, gần 20.000 lượt người nhiễm HIV, 118.500 thành viên gia đình người nhiễm, 36.000 lượt người thuộc nhóm di biến động. Cùng với các hoạt động truyền thông, các hoạt động giám sát và can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cũng được tăng cường với các hoạt động cung cấp bơm kim tiêm (BKT), bao cao su (BCS) miễn phí cho nhóm hành vi có nguy cơ cao (nhóm người NCMT, nhóm PNMD, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới) tại 130 xã, phường của 7 huyện, thành phố gồm Thành phố Nam Định, các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh. Duy trì mạng lưới cộng tác viên và các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng để triển khai hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại. Trong 11 tháng đầu năm 2013 đã phát miễn phí trên 328.000 BKT sạch với trên 145.000 lượt người được nhận BKT. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được triển khai với 5 cơ sở điều trị tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Hải Hậu, Thành phố Nam Định với tổng số bệnh nhân đang điều trị là 998 người, trong đó, số bệnh nhân điều trị duy trì là 822 người, số bệnh nhân đang trong giai đoạn dò liều là 176 người. Sau 12 tháng điều trị, hầu hết bệnh nhân không còn sử dụng heroin. Trong công tác tư vấn chăm sóc điều trị, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 9/10 huyện có phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện với tổng số 13 phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện; 3 cơ sở cung cấp dịch vụ lây truyền từ mẹ sang con là Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu với nhiều hoạt động như tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ, cung cấp sữa thay thế cho trẻ đẻ ra từ bà mẹ nhiễm HIV. Tính đến hết tháng 11-2013, lũy tích số bệnh nhân được điều trị ARV trên địa bàn toàn tỉnh là 1.317 bệnh nhân, trong đó hiện đang điều trị là 991 bệnh nhân. Riêng trong năm 2013, đã điều trị mới ARV cho 169 bệnh nhân, 16.957 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm, trong đó 26 người có kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, cả 26/26 trường hợp đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và 26 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây nhiễm.
Với các giải pháp tích cực, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận so với giai đoạn 2005-2010. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cơ bản được khống chế, thể hiện ở việc tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm dần qua các năm. Số tử vong do AIDS cũng giảm dần. Ước tính trong năm 2012 và năm 2013, đã có trên 100 nghìn người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận truyền thông tư vấn; 7 nghìn người được tư vấn tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí; hơn 1 nghìn người được điều trị thuốc kháng vi rút ARV; trên 900 nghìn BKT và 200 nghìn BCS đã được cấp phát miễn phí tới nhóm người có nguy cơ cao; trong tổng số 998 người nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được điều trị tại 5 cơ sở Methadone trên toàn tỉnh, đã có hơn 90% không còn sử dụng ma túy sau 3 tháng điều trị.
Những thách thức mới
Tuy dịch HIV/AIDS đã bị kìm chế ở mức độ thấp, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 4 năm gần đây nhưng con số này vẫn chưa bền vững. Dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục lây lan, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đang tăng nhanh và tiếp tục có các diễn biến ngày càng phức tạp. Nếu năm 2006, HIV lây qua đường tình dục chỉ chiếm 18%, thì hết năm 2013, lây truyền HIV qua đường tình dục tăng lên 36,74%. Bên cạnh đó, HIV đang hướng tới cả những đối tượng nguy cơ thấp như phụ nữ mang thai, trẻ em. Hiện tại lũy tích số trẻ em nhiễm HIV là 75 trường hợp, trong đó số trẻ em đang được điều trị là 70 trường hợp… Ngoài ra, quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn một số khó khăn tồn tại: đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, lại thường xuyên thay đổi dẫn đến khó khăn khi triển khai công tác phòng, chống. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh được tăng cường và mở rộng, tuy nhiên độ bao phủ chưa cao. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh hiện tại hoàn toàn dựa vào nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí hỗ trợ của các dự án quốc tế, tuy nhiên các dự án tài trợ của nước ngoài đến nay đã gần hết thời hạn. Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS dự kiến sẽ cắt giảm 1/3 kinh phí trong thời gian tới, đang và sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Công tác quản lý người nhiễm trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn do người nhiễm HIV thường xuyên thay đổi nơi sinh sống bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử…
Chương trình phối hợp của Liên Hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Với chủ đề trên, Tháng hành động quốc gia phòng, chống AIDS năm 2013 được phát động từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề chính là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Theo đó, mục tiêu của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 là thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”. Các hoạt động chủ yếu trong Tháng hành động bao gồm: tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tăng cường phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS; triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như tổ chức các chương trình nhằm vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm, tham gia ủng hộ và chăm sóc người nhiễm, giúp đỡ người nhiễm hòa nhập cộng đồng, tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Cùng với triển khai Tháng hành động, nhiệm vụ xuyên suốt cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên được đặt ra trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 của tỉnh, đó là: “Khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội”. Như vậy, kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông để mọi người dân hiểu rõ về tác hại bệnh HIV, từ đó điều chỉnh hành vi và biết cách tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm; biết cách chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, nâng cao giáo dục truyền thông góp phần thay đổi hành vi cá nhân, xã hội, không còn kỳ thị với người bệnh; bảo đảm các đối tượng nghiện ma túy, hoạt động mại dâm cũng ý thức hơn trong việc sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây nhiễm HIV và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội để cùng chung tay đẩy lùi HIV/AIDS./.
Bài và ảnh: Minh Thuận