Toàn tỉnh hiện có 840 trường học với tổng số 397.879 học sinh, trong đó khối mầm non 263 trường, khối tiểu học 282 trường, khối THCS 246 trường, khối THPT 49 trường. Năm 2013, Ban Chỉ đạo y tế trường học tỉnh đã giao Sở Y tế triển khai Dự án truyền thông về y tế trường học tại một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT thuộc 4 huyện, thành phố gồm: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và Thành phố Nam Định với các nội dung: Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; truyền thông nâng cao sức khỏe phòng, chống bệnh tật học đường; giám sát đánh giá thực hiện công tác y tế học đường…
Bác sĩ Trần Đăng Phi, Trưởng Khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế với mục đích nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học, tăng cường kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc, kiểm soát các bệnh phổ biến trong học sinh hiện nay như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh về răng miệng, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện thể chất và tinh thần. Hằng năm, Dự án chọn mỗi cấp học một trường xây dựng mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường nhằm hỗ trợ nhà trường nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Tham gia mô hình, nhà trường được hỗ trợ các chương trình khám sức khỏe, khám và điều trị nha học đường, kiểm tra công tác vệ sinh trong trường học, tập huấn nội dung sơ, cấp cứu và kiểm soát các bệnh học đường. Ngoài ra, dự án còn tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống các bệnh về mắt, tay, miệng, cong vẹo cột sống, làm thay đổi hành vi của học sinh để các em tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Bệnh viện Mắt tỉnh phát kính cho học sinh Trường THCS Trần Huy Liệu (Vụ Bản) - một hoạt động thuộc Dự án "Mở rộng mô hình Childsight - chăm sóc tật khúc xạ học đường" đang triển khai tại tỉnh ta. |
Triển khai thực hiện dự án, Sở Y tế đã giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện vệ sinh tại 20 trường tiểu học và THCS tại 2 huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy với các nội dung như địa điểm xây dựng trường, điều kiện vệ sinh phòng học (diện tích phòng học, kích thước bàn ghế, bảng, hệ thống chiếu sáng, tiếng ồn, hơi khí độc), vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp nước và vệ sinh môi trường. Ở nội dung “Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học”, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 100 học viên là cán bộ theo dõi y tế trường học của trạm y tế các xã, phường của huyện Hải Hậu và Thành phố Nam Định về công tác y tế trường học, kỹ thuật giám sát các yếu tố vệ sinh môi trường trường học; khám, phân loại và quản lý sức khỏe học sinh; phòng, chống bệnh tật, tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe học sinh. Ở nội dung truyền thông nâng cao sức khỏe phòng chống bệnh tật học đường, trung tâm đã cung cấp 900 tờ áp phích nội dung phổ biến, tuyên truyền phòng chống bệnh tật học đường cho các trường được chọn triển khai; tổ chức hội thi tìm hiểu về kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường dưới hình thức viết báo tường tại 4 trường: Tiểu học Giao Yến, Giao Nhân, THCS Giao Thanh, Giao Xuân (Giao Thủy); chọn Trường Tiểu học Giao Yến và Trường THCS Giao Thanh (Giao Thủy) để xây dựng mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường trong trường học theo hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe như: xây dựng môi trường học tập lành mạnh; phòng, chống bệnh tật học đường; hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh trường học, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe học sinh… Trung tâm đã thực hiện giám sát các yếu tố vệ sinh trường học và giám sát thanh, kiểm tra hoạt động y tế trường học; tiến hành kiểm tra 20 trường tiểu học, THCS theo các tiêu chuẩn quy định vệ sinh trường học tại Quyết định 1221/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra về các hoạt động y tế trường học tại một số trường, đặc biệt là những trường được hỗ trợ xây dựng mô hình truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường nâng cao sức khỏe. Kết quả kiểm tra ở 20 trường cho thấy 11 trường đạt tiêu chuẩn về địa điểm xây dựng trường, 18 trường đạt chuẩn về diện tích phòng học, 6 trường đạt tiêu chuẩn kích thước bàn ghế, 20 trường đạt tiêu chuẩn về kích thước bảng và về cấp nước và vệ sinh môi trường, 4 trường đạt tiêu chuẩn chiếu sáng, 16 trường đạt tiêu chuẩn về tiếng ồn. Sau thời gian triển khai dự án, đã tăng thêm 30% số học sinh và giáo viên trong tỉnh được truyền thông, tiếp cận các hoạt động nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi nguy cơ, phòng chống bệnh tật học đường, phòng chống dịch bệnh trong trường học; xây dựng được mô hình điểm truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống bệnh tật học đường theo xu hướng tiếp cận nâng cao sức khỏe, từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán... Bên cạnh các mô hình điểm, các chương trình y tế nha học đường, mắt học đường, phòng chống tai nạn thương tích và các hoạt động sơ, cấp cứu học đường cũng được triển khai có hiệu quả dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, hội thi tìm hiểu kiến thức phòng, chống các bệnh thường gặp trong học đường… Qua đó, giúp học sinh có nhận thức đầy đủ trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân để học tập tốt hơn.
Dự án truyền thông y tế trường học được triển khai đã góp phần nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học, tăng cường kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường; kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của các bệnh tật học đường phổ biến trong các trường học, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, công tác y tế trường học cũng cần được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GD và ĐT. Cùng với việc ngành Y tế thường xuyên tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế trường học, tăng cường năng lực khám bệnh cho các trạm y tế, tổ chức khám bệnh định kỳ cho học sinh…, Sở GD và ĐT cần chỉ đạo các trường học huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa y tế trường học, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận