Nhiều thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

08:11, 18/11/2013

Tính đến ngày 30-10-2013 toàn tỉnh có trên 4.750 người nhiễm HIV được phát hiện ở 96% số xã, phường của 10 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó, số bệnh nhân AIDS là 2.374 người, số bệnh nhân AIDS đã tử vong là gần 1.200 người. Với sự “vào cuộc” tích cực của ngành chức năng, các ban, ngành, đoàn thể và sự giúp đỡ của các dự án Life Gap, Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, dự án Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh ta đã có được sự chuẩn bị cả về cơ chế, chính sách, hệ thống tổ chức, nhân lực, vật lực cho mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở tỉnh ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận so với giai đoạn 2005-2010. Tỷ lệ lây nhiễm HIV cơ bản được khống chế, thể hiện ở việc tỷ lệ nhiễm mới HIV đã giảm dần qua các năm (năm 2006 phát hiện 506 trường hợp, năm 2011 là 255 trường hợp và năm 2012 là trên 240 trường hợp). Số tử vong do AIDS cũng giảm dần qua các năm (năm 2006 là 153 trường hợp, năm 2011 là 69 trường hợp và năm 2012 là 57 trường hợp).

Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa thực sự bền vững, còn nhiều khó khăn thách thức. Đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã còn thiếu; trong đó tuyến xã, phường chủ yếu cán bộ làm việc kiêm nhiệm; nhiều cán bộ có kinh nghiệm xin chuyển công tác do công việc căng thẳng, vất vả mà chưa có chế độ đãi ngộ, phụ cấp ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS chưa cao, 4 huyện chưa có phòng khám ngoại trú, 3 huyện chưa triển khai Chương trình can thiệp giảm tác hại. Chương trình Methadone mới triển khai được ở 4 huyện, thành phố. Kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS hằng năm đều tăng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, công tác quản lý người nhiễm còn gặp nhiều khó khăn do họ thường xuyên thay đổi nơi sinh sống. Nhiều trường hợp khi làm xét nghiệm phát hiện HIV nhưng không muốn công khai danh tính hoặc công khai danh tính không chính xác gây khó khăn cho việc quản lý, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm… Trong khi đó, dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục có các diễn biến phức tạp. Theo Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, đường lây truyền HIV đang có chiều hướng thay đổi. Những năm trước, HIV lây truyền chủ yếu qua đường máu song hiện nay đang có xu hướng giảm dần (năm 2005 là 26,8%, năm 2012 là 8%), nhưng lại gia tăng nhanh lây qua đường tình dục (năm 2006, chỉ chiếm 18%, đến tháng 6-2013 tăng lên gần 30%) và có tính chất nguy hiểm vì nó hướng tới cả những đối tượng có nguy cơ thấp, khó phát hiện để phòng, chống. Nhiều đối tượng có các yếu tố hành vi lây nhiễm kép (vừa mua bán dâm, vừa nghiện ma túy)… Do đó, mặc dù đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường... Một khó khăn nữa là các dự án tài trợ nước ngoài đã gần hết thời hạn (Dự án WB giai đoạn 2 từ tháng 7-2010, kết thúc vào năm 2013) và chuyển sang giúp đỡ về mặt kỹ thuật, chuyên môn, dẫn đến thiếu hụt nguồn kinh phí duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong khi Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS vẫn đang được triển khai toàn diện với các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi; can thiệp giảm tác hại: phân phát bơm kim tiêm sạch, bao cao su, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân AIDS tại các phòng khám ngoại trú, tại nhà và tại cộng đồng… Việc cắt giảm các dự án tài trợ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để giải quyết khó khăn, tỉnh ta đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức thực hiện tốt pháp luật và các chế độ chính sách đối với người nhiễm HIV; đẩy mạnh công tác dự phòng lây nhiễm HIV; thực hiện tốt công tác điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; tăng cường giám sát dịch HIV/AIDS… Trong đó, biện pháp đầu tiên để phòng, chống HIV là việc truyền thông cung cấp kiến thức nhằm giúp cho người dân “hiểu đúng bệnh để phòng bệnh”.  Tuy nhiên, việc triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cũng gặp khó khăn do một bộ phận nhân dân thiếu kiến thức về HIV/AIDS... Mặt khác, công tác điều trị cho bệnh nhân AIDS cũng gặp trở ngại, do khi bị nhiễm HIV/AIDS, người bệnh thường có nguy cơ cao nhiễm trùng cơ hội khác trong khi đa phần người nhiễm AIDS là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không có khả năng chi trả cho việc kết hợp điều trị các bệnh phát sinh. Tình trạng phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bệnh cũng là một rào cản khiến người bệnh không dám tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị.

Để thực hiện mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV”, cần phối hợp Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với các dự án khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh để tăng cường hoạt động thông tin giáo dục, truyền thông trong cộng đồng dân cư. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực, cập nhật thông tin thường xuyên cho CTV, cán bộ trạm y tế huyện, xã, phường nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực và cập nhật thông tin thường xuyên cho đội ngũ CTV, giáo dục viên đồng đẳng hằng năm. Các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS, tạo phong trào quần chúng sâu rộng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com