Nhân rộng mô hình chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng

09:11, 05/11/2013

Từ năm 2011, mô hình chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng đã triển khai ở 18 xã, phường, thị trấn của huyện Xuân Trường và Thành phố Nam Định. Công tác chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên trách, CTV dân số tại cơ sở là những người có kinh nghiệm, tâm huyết trong công tác dân số - KHHGĐ. Tại mỗi xã, thị trấn chọn 2 nhân viên chăm sóc gồm 1 cán bộ chuyên trách và 1 CTV dân số. Trung bình mỗi năm, mô hình đã cung cấp, hỗ trợ dịch vụ chăm sóc cho hàng nghìn người nhiễm HIV và người thân của người nhiễm HIV, cấp hàng nghìn bao cao su cho đối tượng nhiễm HIV. Cán bộ chăm sóc đã vận động được nhiều đối tượng đến các phòng khám ngoại trú để xét nghiệm, điều trị kịp thời các vấn đề về sức khoẻ. Ở một số địa phương, nhân viên chăm sóc còn hỗ trợ tìm việc làm cho người nhiễm HIV, giúp họ có thu nhập tự trang trải cuộc sống. Ngoài ra, người nhiễm HIV còn được chuyển khám lao, tham gia chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; người thân của người nhiễm HIV được giới thiệu đến chương trình tư vấn xét nghiệm tự nguyện.

Một buổi tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV cho nhân viên chăm sóc do Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức.
Một buổi tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng chăm sóc người nhiễm HIV cho nhân viên chăm sóc do Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức.

Năm 2013, mô hình tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả cộng đồng. Tại những nơi triển khai, đã giảm đáng kể thái độ kỳ thị của người dân địa phương đối với người nhiễm HIV/AIDS. Bên cạnh đó, hằng năm Ban quản lý mô hình tỉnh đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên chăm sóc tại huyện Xuân Trường và Thành phố Nam Định những kiến thức về hỗ trợ người nhiễm HIV, các dịch vụ chăm sóc và điều trị tại phòng khám ngoại trú; hỗ trợ, hướng dẫn người nhiễm HIV tuân thủ phương pháp điều trị; giao tiếp tư vấn khách hàng; phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; chuyển gửi, theo dõi, lập kế hoạch sinh con cho các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi HIV… Các lớp tập huấn đã tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động chăm sóc người nhiễm HIV; đồng thời là cơ sở để các nhóm chăm sóc tại nhà tổ chức tuyên truyền, vận động và huy động sự ủng hộ từ các nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giảm sự phân biệt, kỳ thị trong cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với các phòng khám khu vực để giới thiệu những người có nguy cơ cao đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, chuyển gửi những người nhiễm HIV tiếp cận sớm với các dịch vụ chăm sóc, điều trị và thường xuyên tái khám kiểm tra sức khỏe để có can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Tích cực vận động các tổ chức xã hội đóng góp kinh phí, tạo việc làm cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giúp họ cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Duy trì chăm sóc những người đã được tiếp cận, đồng thời mở rộng mô hình chăm sóc cho những người mới. Đến tháng 9-2013, tổng số người nhiễm HIV được chăm sóc tại nhà ở Thành phố Nam Định và huyện Xuân Trường là 368 người. Trong đó, số bệnh nhân đang điều trị ARV được chăm sóc là 193 người, số bệnh nhân chưa điều trị ARV được chăm sóc là 175 người. Tổng số thành viên gia đình của người nhiễm HIV hiện được nhận dịch vụ chăm sóc là 664 người. Ngoài ra, có 152 người được hỗ trợ từ chương trình tiếp cận cộng đồng và các chương trình hỗ trợ khác về học nghề, vay vốn, bảo hiểm, việc làm. Ban quản lý mô hình tỉnh còn phối hợp chặt chẽ và cập nhật thông tin thường xuyên với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh nhằm đảm bảo những vướng mắc, đề xuất của các nhóm chăm sóc tại nhà và cộng đồng được giải quyết, đáp ứng kịp thời, đặc biệt là vấn đề phối hợp giữa 2 chương trình HIV và dân số - KHHGĐ.

Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đối với các vấn đề về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, đời sống của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng… Vì vậy, việc nhân rộng những mô hình chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng là việc làm cần thiết, giúp người nhiễm HIV và người thân của họ tích cực đối phó với căn bệnh, ngăn ngừa tình trạng lây truyền bệnh cho người khác trong cộng đồng, giảm kỳ thị của người dân trong cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS, góp phần thực hiện mục tiêu hướng tới không phát sinh người nhiễm HIV mới./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com